Hội vật làng Sình

Dù ai đi đó đi đây

Ngày mười hội vật nhớ quay về Sình

Đó là câu ca dao được người dân xứ Huế truyền tụng qua nhiều đời khi nói về một lễ hội rất nổi tiếng được tổ chức vào dịp đầu xuân ở một làng quê nằm cạnh ngã ba Sình, điểm hợp lưu giữa sông Bồ với sông Hương - Vật làng Sình.

Làng Sình là tên nôm của làng Lại Ân, nay thuộc xã Phú Mậu, thành phố Huế, là một trong những làng được hình thành khá sớm của xứ Thuận Hóa. Ngoài nghề làm tranh mộc bản cổ truyền rất nổi tiếng, làng Sình hiện còn lưu giữ nhiều nét văn hóa truyền thống của cha ông, trong đó có hội vật được tổ chức vào ngày mùng 10 tháng Giêng Âm lịch hằng năm, thu hút sự quan tâm của hàng ngàn người dân địa phương và khách thập phương về tham dự. Hội vật của làng được hình thành cách đây hàng trăm năm và được duy trì cho đến tận ngày nay, khác hẳn với hội vật ở các làng quê ở Thừa Thiên Huế, người dân làng Sình tổ chức hội vật như một hình thức giải trí đơn thuần trong dịp tết đến xuân về chứ không vì mục đích tuyển chọn người tài, có sức vóc vào đội lính tinh nhuệ của triều đình. Chính vì thế, đây là hoạt động văn hóa truyền thống giàu tinh thần thượng võ, khích lệ việc rèn luyện sức khỏe, lòng dũng cảm, sự tự tin, mưu trí của lớp trẻ. Bên cạnh đó, đối với người dân địa phương, hội vật còn mang ý nghĩa tâm linh là cầu mong một năm mới mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi.

Hội vật làng Sình chỉ diễn ra trong một ngày và có hai phần: phần lễ và phần hội. Phần lễ được tổ chức khá tôn nghiêm tại đình làng Lại Ân. Tại đây, các cụ cao niên trong làng sẽ làm nghi lễ vái tạ Thành Hoàng của trưởng tộc ở đình làng. Sau đó phần hội chính thức được bắt đầu. Hội vật làng Sình về cơ bản áp dụng nguyên tắc của luật thi đấu vật dân tộc là phải đánh ngã đối thủ ở tư thế “lấm lưng trắng bụng”, đồng thời giữ hoặc đè được đối thủ trong vòng 3 giây là thắng.

Nét đặc trưng của hội Vật làng Sình là bất kỳ khán giả nào cũng có thể đăng ký tham gia. Lệ làng quy định, các đô vật dự đấu không nhất thiết phải là người địa phương mà bất kỳ khán giả nào cũng có thể được lên sới đấu vật. Về phần thưởng, ngoài giải Cạn dành cho chức vô địch, làng còn trao thưởng cho tất cả những đô vật tham gia tranh tài. Bên cạnh đó, vì rất chú trọng tinh thần thượng võ nên tại hội vật những đòn nguy hiểm như bẻ, vặn khóa trái khớp, tấn công vào hạ bộ, yết hầu, mắt…hoàn toàn bị cấm. Có thể do điều kiện dự hội khá đơn giản, không đề cao việc thắng thua mà chỉ đơn thuần là “thử sức” nên cứ đến ngày làng mở hội vật là trai tráng khắp nơi theo nhau về làng Sình. Đây chính là hình thức gìn giữ nét văn hóa truyền thống vô cùng hiệu quả, bởi chính người dân là chủ thể tham gia bảo tồn lễ hội. Năm 2022, do tình tình dịch bệnh diễn biến phức tạp nên UBND huyện Phú Vang chủ trương không tổ chức hội vật, tuy nhiên nhằm bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống của địa phương, không để lễ hội mai một qua năm tháng, làng Lại Ân vẫn sẽ tổ chức phần nghi lễ truyền thống tại đình làng và tổ chức vật lệ gồm 04 cặp, 02 cặp thiếu niên và 02 cặp thanh niên thi đấu theo hình thức loại trực tiếp.

Hội vật truyền thống làng Sình từ lâu đã trở thành một ngày hội lớn, một nét văn hóa đậm bản sắc riêng, ăn sâu vào máu của mỗi người dân làng Sình. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, hội vật làng Sình ngày nay đã có một vài thay đổi để phù hợp với tình hình mới, nhưng không gian văn hoá xưa vẫn còn lưu lại những dấu ấn rất rõ nét về một vùng đất thượng võ, và trong tâm khảm của mỗi người dân xứ Huế, tiếng trống hội vẫn vang vọng thúc giục khách thập phương quay về. Đó chính là những minh chứng cho một giá trị văn hóa trường tồn của hội vật làng Sình.

Đang tải...

Chứng nhận: Di sản văn hóa cấp Tỉnh/Thành phố

Nhóm tài nguyên: Lễ hội truyền thống
Địa chỉ: Làng Lại Ân, xã Phú Mậu, Phú Vang, Thừa Thiên Huế

Đánh giá

0
0 đánh giá
Tuyệt vời
0
Rất tốt
0
Tạm được
0
Không thích
0
Tồi tệ
0

Báo chí