Đình Văn Xá được xây dựng vào năm Ất Sửu (1865) dưới thời Tự Đức, là một trong số ít những ngôi Đình có quy mô bề thế, và có giá trị kiến trúc tiêu biểu ở Thừa Thiên Huế.
Đình Văn Xá được xây trên khu đất rộng, gồm hai toà 8 gian, tiền đường 5 gian, hậu cung 3 gian được kiến trúc theo kiểu chữ nhị. Toà tiền đường được làm theo phong cách thời Hậu Lê, mái đình cong, thấp, lợp bằng ngói mũi hài loại lớn nặng từ 9–11kg, mũi ngói được trang trí hình lá đề cách điệu. Hệ thống cột lớn được làm theo kiểu búp đòng, chân cột đặt trên đá tảng rộng 1m. Các vì kẻ được chạm khắc công phu với nhiều đề tài khác nhau như rồng chầu, long giáo tử, hổ ghé vai đỡ lá đao. Hậu cung mang phong cách kiến trúc thời Nguyễn theo kiểu chồng rường, các cột cái đều đặt trên hệ thống tảng đá xanh, có chạm hoa văn tròn đều theo chu vi chân cột. Đình còn giữ được nhiều đồ thờ tự có giá trị như ngai thờ hai vị thần rắn, hương án cổ được àm vào thời Hậu Lê, cỗ kiệu mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XVII–XVIII, sập thờ, ngai thờ, bia ghi lại sự tích thần và 30 đạo sắc phong của các đời.
Từ ngoài vào, hàng cột cái, cột quân, hàng bẩy tiền được tạo dáng đẹp, thanh thoát. Phía trong hàng bẩy là hàng kẻ, nó là lực đỡ giàn mái và kéo giữ bộ khung thay cho xà nách. Kích thước của hàng kẻ này cũng tương đương với hàng kẻ bẩy, có đường kính tới 46–47cm được chạm hình rồng mang đặc điểm thời Hậu–Lê với hình dáng dữ tợn. Những nét nhấn tỉa sắc bén hình dao nhọn trên thân, đầu rồng vuốt ve phần đuôi như đang chuyển động. Phía sau là hình con y dạng múa và chuyển động theo rồng. Trên thân kẻ này còn chạm hỏa đường soi ống tơ dáng mềm mại gây cảm xúc hài hòa. Các mảng chạm trên thân kẻ được chạm công phu, lại mang màu sắc đường nét khá đặc biệt nhìn càng thấy thú vị.
Đình Văn Xá là một công trình kiến trúc đồ sộ hai gian chái đình, mái cong cả ba phía, tiếp giáp với gian kế cận cho nên việc thi công công trình đòi hỏi trình độ kỹ thuật, mỹ thuật cao. Đặc biệt hai chiếc kẻ góc, để nối từ góc dao lên nóc (có nơi gọi là kèo voi, vì kèo cổ ngỗng) đã được các hiệp thợ xưa xử lý rất thành công. Hai chiếc kẻ này một chiếc đã được đục như con rồng thân hình thu nhỏ về phía đuôi. Còn chiếc kẻ bên cũng được chạm hình rồng, nhưng phần lớn trên có hình con vật đang nô đùa chạy dọc xuống phần dưới, hai chiếc kẻ này được đặt trên hai trụ non. Trên cột góc là toàn bộ cấu kiện chịu lực chủ yếu đỡ phần góc mái, giữ độ cong của mái vừa mềm mại vừa duyên dáng. Các mảng chạm khắc trên con rồng đều được chạm kênh bong thể hiện nhiều đề tài khác nhau: Cảnh rồng chầu, đặc biệt là ở các góc vì góc nóc này đều được chạm nổi mặt rồng, dáng điệu dữ tợn hai bên có đôi hạc chầu. Ở vì gian giữa có đôi sư tử chầu mặt rồng.
Nghệ thuật chạm khắc gỗ tinh xảo. Các đề tài khác như vân ám, á hỏa, dao nhọn và chủ yếu là rồng chầu được nghệ nhân thể hiện qua các dạng khác nhau. Như ở hai vì nách bên phải có cảnh rồng chầu, hai chân nằm hai con vật châu đầu vào nhau. Chẳng hạn, ở vì nách bên trái có cảnh Mẫu long giáo tử tức là mẹ rồng dạy con, bên cạnh có hình cá chép hóa rồng. Vì nách bên phải có cảnh rồng chầu, hai chân nắm lấy hai con vật châu đầu vào nhau. Các vì này được đỡ bởi hệ thống câu đầu có đường kính 50cm được bào gọt kỹ càng, phía dưới có chạm hình lá đề cách điệu rất đẹp. Nếu ở các di tích khác đầu dư thường tạo hình đầu rồng thì ở đây con nghê lấy vai gánh đỡ câu đầu, đây là điểm độc đáo ít gặp. Bộ hoành tròn có đường kính 22–24cm được làm rất đều đặn, dày đúng nguyên tắc thượng tam hạ tứ (trên 3 dưới 4) làm theo phong cách thời Hậu–Lê. Hệ thống đấu gỗ đỡ hoành được tạo gờ chỉ soi rất công phu cũng là điểm ít thấy ở các di tích khác. Bên cạnh bộ giàn mái còn có thượng lương cũng được làm phù hợp với bộ hoành tròn. Đao góc ở phía sau tòa tiền đường có đục hình một con hổ ghé vai gánh đỡ vai là đề tài khá hiếm ở các di tích khác. Đình Văn Xá được xây tường xung quanh, bằng loại gạch đỏ có sức chịu lực cao giúp cho đền vững đồng thời góp phần làm tăng giá trị mỹ thuật của công trình. Ngoài ra ở phía trước còn xây dựng bình phong, cột đồng trụ có bố trí hài hòa. Đây là những hạng mục mới được tu sửa và xây dựng lại nhưng vẫn đảm bảo được phong cách kiến trúc cổ truyền của dân tộc.
Đình Văn Xá còn giữ được nhiều đồ thờ tự có giá trị nghệ thuật cao. Ở gian giữa tòa tiền đường là ngai thờ hai thần rắn, hương án cổ được làm vào thời Hậu Lê có chiều dài 2,5m, rộng 1,7m trên đó chạm nhiều đề tài khác nhau: Cánh rồng với dáng vẻ nô đùa được chạm sắc nét đến từng chi tiết, những đường thẳng song song, đường viền hoa chanh, trên hương án có hai ngai thờ thần thủy kích thước bằng nhau có chiều cao 1m, rộng 0,6m trên đó có trang trí hình đầu rồng. Phía trong bài vị chạm đôi rồng chầu. Đế ngai chạm nhiều đề tài như lá sen chéo, rồng chầu, hoa leo, mỗi ngai là một đầu rồng. Trong hậu cung kê một cỗ kiệu dài 4cm, rộng 2cm. Cỗ kiệu này có dáng vẻ độc đáo. Bành kiệu nổi bật phù điêu phượng, đầu phượng, dáng bay với những dao bay được chạm tinh tế. Thân kiệu chạm cảnh cúc hóa long, cảnh phượng múa. Đuôi kiệu chạm hình đuôi phượng dáng dao bay về phía sau. Trên long đình mặt trước và sau hai bức chạm thông phong, một mặt là lưỡng long chầu nguyệt, một mặt là hai con phượng chầu chữ thọ. Kiểu này mang phong cách nghệ thuật thế kỷ 17, 18.
Nếu đặt chân đến Huế, bạn hãy ghé thăm Đình Văn Xá nhé!