Đình Thủ Lễ

Đình Thủ Lễ tọa lạc ở ở trung tâm của làng Thủ Lễ, Thị trấn Sịa, huyện Quảng Ðiền, tỉnh Thừa Thiên Huế, cách trung tâm thành phố Huế 16km về phía Bắc, cách huyện lỵ Quảng Điền 1km.

Làng Thủ Lễ là một trong những làng được thành lập khá sớm, trước thời Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Thuận Hóa. Sau khi làng được thành lập, 8 vị khai canh đã chọn vị trí trung tâm của làng để xây dựng Đình. Đình nằm trên một khuôn viện rộng chừng 1.000m2. Từ ngoài vào là 4 trụ biểu hình khối vuông cao lớn, trên mỗi trụ đều có câu đối chữ Hán. Cách trụ biểu 5m là nhà bia, hồ bán nguyệt, tiếp đến là bức bình phong. Trải qua bao biến thiên của lịch sử nhưng kiến trúc của ngôi đình này vẫn còn như nguyên vẹn gồm 5 gian 2 chái, có 48 cột gỗ lớn, Đình không có vánh ngăn và hệ thống cửa ở mặt tiền, mái lợp ngói âm dương. Nội thất chia làm hai phần, bên trong là Hậu cung bố trí các án thờ, ngoài là Tiền đường treo hoành phi, liễn đối và câu đối. Hai phía tả hữu của khuôn viên đình là 2 nhà tả hữu tùng tự. Ngôi đình làng Thủ Lễ là biểu tượng sức mạnh của một làng quê giàu truyền thống văn vật, là ngôi nhà chung của một cộng đồng làng. Nhờ vậy mà tình làng nghĩa xóm, sự đoàn kết của mọi người dân trong làng đã được giữ gìn như một nếp sống truyền thống của dân làng Thủ Lễ.

Đặc biệt, tại sân đình Thủ Lễ còn có một sới vật hình tròn nằm ngay giữa sân. Nơi đây, cứ đến ngày mồng 6 Tết diễn ra lễ hội vật truyền thống. Hoạt động truyền thống hàng năm có hai lễ chính, Xuân tế (tháng giêng Âm lịch) và Thu tế (tháng 7 Âm lịch). Cũng như bao làng quê khác, người dân làng Thủ Lễ đã sống trong phong cảnh hài hoà của ngôi Đình, cây đa bến nước, luỹ tre làng… Đó cũng là chứng tích hồn thiêng của một làng quê, là di sản văn hoá truyền thống của dân tộc trên một vùng đất cụ thể mà biết bao thế hệ đã cống hiến máu xương và công sức để vun đắp nên.

Đình làng Thủ Lễ là một di tích kiến trúc nghệ thuật khá tiêu biểu ở Huế, có niên đại xây dựng tương đối sớm với nhiều giá trị đặc sắc. Đây là một nguồn sử liệu vật chất trực tiếp, một dấu ấn văn hoá sâu đậm góp phần đáng kể vào việc tìm hiểu kiến trúc gỗ dân gian truyền thống thế kỷ 19. Mang phong cách nhà rường Huế, với kiểu dáng quy mô, kỹ năng mỹ thuật, các đồ án trang trí theo lối nghệ thuật đặc trưng thời Nguyễn. Những đề tài trang trí trong kết cấu gỗ của đình làng Thủ Lễ với những nét sáng tạo, cách tân, giàu tính nhân văn nói lên nguyện vọng thiết thân của cư dân nông nghiệp cầu mưa thuận gió hoà, vật lực phồn thịnh, nước nhà yên ổn…

Hiện nay, tại ngôi đình này còn lưu giữ nhiều hiện vật quý đó là: một khánh đá cổ có hình dáng của một phiến đá tự nhiên, dùng để làm hiệu lệnh tập họp dân làng; một tấm bia đá thanh mang dáng dấp và nội dung như một lá bùa dùng để yểm các loại ôn dịch cầu mong cho dân làng bình an, làm ăn phát đạt.

Quý nhất là còn lưu giữ được 57 đạo sắc phong của các vua nhà Nguyễn từ thời hoàng đế Minh Mệnh đến thời hoàng đế Bảo Đại.

Với trên 200 năm tồn tại, đình làng Thủ Lễ vẫn còn lưu giữ hệ thống kiến trúc cùng với những văn bản, hiện vật quý hiếm phản ánh mối quan hệ mật thiết trong tổng thể các công trình kiến trúc triều Nguyễn. Đình làng Thủ Lễ với những giá trị lịch sử của mình còn là chiếc cầu nối để giữ gìn một hành lang đô thị cổ: Thành Hoá Châu, Phủ Phước Yên, thị trấn Sịa… góp phần tô đậm thêm truyền thống văn hoá lịch sử của một huyện lỵ Quảng Điền.

Hiện đình Thủ Lễ còn lưu giữ: một khánh đá, một phiến đá bùa, 57 sắc phong, hơn 400 trang văn bản (địa bạ), 16 câu đối, 3 bức hoành, hai tượng hạc bằng gỗ.

Với giá trị lịch sử, kiến trúc, nghệ thuật đó, Đình Thủ Lễ được công nhận là di tích cấp quốc gia theo Quyết định số 61/1999-QÐ/BVHTT, ngày 13-9-1999 của Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch).

Đang tải...
Đang mở cửa • Mở cửa 24h

Chứng nhận: Di sản văn hóa cấp Quốc gia

Nhóm tài nguyên: Di Tích, Lịch Sử, Văn Hoá
Địa chỉ: 43 Trần Trùng Quang, TT. Sịa, Quảng Điền, Thừa Thiên Huế

Đánh giá

0
0 đánh giá
Tuyệt vời
0
Rất tốt
0
Tạm được
0
Không thích
0
Tồi tệ
0

Báo chí