Chùa Thủ Lễ còn có tên gọi là chùa Phật Lồi (thờ tượng Phật Lồi) hay Chùa Hưng Lễ, do vua Bảo Đại (1913 – 1997) đặt tên. Từ trung tâm thành phố Huế, theo quốc lộ 1A ra hướng Bắc khoảng 14km, rẽ phải qua cầu Tứ Phú đi đến tỉnh lộ 11A, khoảng 7km đến thị trấn Sịa, rẽ phải theo con đường liên thôn 1km là đến chùa. Đây là một ngôi chùa cổ nằm ở khu vực Thủ Lễ Nam, xã Quảng Phước thị trấn Sịa, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. Chùa hình thành vào khoảng giữa thời Lê (1428-1788), nằm kề bên phá Tam Giang.
Thủ Lễ là một làng cổ ở xứ Thuận Hóa, được Dương Văn An đề cập trong Ô châu Cận lục: “Thủ Lễ đánh cá bằng lưới giăng”, “Thủ Lễ tự mình cung kính”. Địa danh Thủ Lễ cũng được Lê Quý Đôn nhắc đến trong sách Phủ biên tạp lục. Đối chiếu với các gia phả, tài liệu lịch sử, thì làng Thủ Lễ đã có mặt ở vùng đất này khoảng cuối thế kỷ XIV, đầu thế kỷ XV, trong những đợt di dân đầu tiên từ phương Bắc đến vùng đất mới ở phía Nam. Do Chùa tọa lạc ở ngôi làng cổ này nên bản thân nó cũng có một lịch sử lâu đời và kiến trúc đặc biệt - kết hợp hài hòa giữa nghệ thuật xây dựng cung đình và dân gian.
Cùng với quá trình hình thành làng, hệ thống các công trình kiến trúc tín ngưỡng, tôn giáo như đình, chùa, miếu làng… cũng lần lượt ra đời, nhằm đáp ứng nhu cầu đời sống, sinh hoạt văn hóa tâm linh của dân làng tại vùng đất mới và được xem như là nơi an dân, thu phục nhân tâm. Các công trình này dù lớn hay nhỏ, cũng là sản phẩm của sự đóng góp chung của cộng đồng cư dân từ những buổi đầu mới thành lập làng. Chùa Thủ Lễ là một trong số những công trình kiến trúc quan trọng đó. Và điều đó tạo nên một điểm đến mới mẻ, mang nhiều ý nghĩa lịch sử với nhiều du khách khi du lịch cố đô.
Nếu du khách đang có kế hoạch du lịch Huế thì đây cũng là một điểm đến thú vị vì huyện Quảng Điền cũng là nơi có nhiều di tích lịch sử, văn hóa, nghệ thuật có giá trị, bên cạnh kinh thành Huế tráng lệ hay hệ thống đền đài lăng tẩm nguy nga, như: thành cổ Hóa Châu, phủ Phước Yên và đặc biệt là đình – chùa Thủ Lễ.
Đến với ngôi chùa mang tên gọi đậm chất cổ xưa này, du khách không chỉ có cơ hội được tham quan và chiêm ngưỡng kiến trúc đặc biệt của một công trình tôn giáo mà còn tha hồ tham gia vào các hoạt động cùng người dân địa phương như: đánh bắt hải sản trồng, thu hoạch hoa màu và nhất là thưởng thức những món ăn đặc sản vừa đánh bắt được của vùng đầm phá Tam Giang.
Ngoài ra vùng đất chùa Thủ Lễ Huế tọa lạc cũng là nơi có những làng nghề truyền thống với nhiều sản phẩm nổi tiếng như: bún bánh Ô Sa, rau sạch Thành Trung, rau má Quảng Thọ, đan lát Thủy Lập,… Đặc biệt hơn là huyện Quảng Điền cũng sở hữu cho mình 12km đường biển với nhiều bãi tắm đẹp, mà nổi bật nhất là phá Tam Giang rộng nhất tỉnh Thừa Thiên Huế với diện tích hơn 3.500 ha.
Chùa Thủ Lễ đã được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh theo Quyết định số: 761/QĐ-UBND, ngày 04 tháng 5 năm 2012.