Chùa Giác Lương

Chùa Giác Lương có tên gọi khác là chùa Hiền Lương, tọa lạc ở làng Hiền Lương (trước đây có tên là làng Hoa Lang, nên chùa cũng có tên gọi là chùa Hoa Lang), xã Phong Hiền, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. Chùa theo hệ phái Bắc Tông. Chùa Giác Lương là một trong những ngôi chùa cổ được xây dựng khá sớm ở vùng Thuận Hóa, dưới thời Lê, góp phần vào việc nghiên cứu về lịch sử của nước ta.

Theo tư liệu của địa phương, chùa do bà Hoàng Thị Phiến từ ngoài Bắc di cư vào đầu đời Lê Trung Hưng (khoảng thế kỷ 16) và các tộc trưởng của làng lập ra. Bà đã cúng 7 pho tượng cho chùa, nay vẫn còn. Lúc đầu chùa xây ở Cồn Bệ, phía tây của làng. Sau khi bà qua đời, bà đã được an táng trong khuôn viên chùa và ở đây còn có miếu thờ bà. Khoảng đầu thế kỷ 18, chùa được di dời về khu đất đầu làng cho hợp phong thủy, thuận tiện sinh hoạt. Dưới thời vua Nguyễn Ánh (hiệu Gia Long), năm 1806 con dân làng Hoa Lang góp của tôn tạo chùa, dựng cột thượng lương, trùng tu chùa cũ. Sau khi chế độ quân chủ chấm dứt, trải qua hai cuộc kháng chiến giành độc lập, thống nhất đất nước (1945 – 1975), làng Hiền Lương bị tàn phá ác liệt, tất cả nhà cửa, đình miếu bị đốt phá, hủy hoại tan hoang. Nhưng kỳ diệu thay, ngôi chùa Giác Lương vẫn còn tồn tại.

Theo nguyện vọng của con dân, hội đồng bô lão đại diện cho tất cả họ tộc quyết định kêu gọi ủng hộ tôn tạo chùa làng. Chùa được trùng tu vào các năm 1924, 1969, 1987, … Chùa Giác Lương là niềm tự hào của dân làng xưa nay.Chùa Giác Lương xây hướng Nam, hình chữ nhật dài 14,60m, rộng 11,48m, sườn mái bằng gỗ, lợp ngói liệt, gồm 2 gian và 4 chái. Sát bên chùa có nhà Tăng. Khuôn viên chùa được bao bọc bởi La Thành hình chữ nhật, dài 79m, cao 1,20m, dày 0,50m. Mặt trước La Thành xây trụ biểu.

Trong khuôn viên chùa còn có các Miếu: Cao các Thành hoàng, Đặc tấn phụ quốc thượng tướng quân Trần Quý Công và hai vị Dương Đại Lang. Cổng Tam quan của chùa đồ sộ, hai tầng mái giả, đây là một trong những cổng Tam quan đồ sộ nhất Huế hiện nay. Dưới bàn tay chạm khắc khéo léo của các nghệ nhân cùng những đường nét tỉ mỉ, cổng Tam quan hiện lên thật khang trang nhưng cũng không kém phần uy vệ. Hai bên Tam Quan còn có các tượng Hộ Pháp càng tô thêm vẻ nghiêm trang cho ngôi chùa. Lối vào chùa được trồng cây xanh thẳng tắp với rất nhiều cây cổ thụ được trồng từ lâu đời. Trước mặt chùa còn có một cột cờ Phật Đảng và một chiếc lư hương được đặt ngay chính giữa.

Nội thất chùa, từ bộ khung đến hệ thống liên ba, cửa bảng khoa đều trang trí, chạm nổi hình bát bửu, tứ linh, tứ thời, và các kiểu hoa văn tinh xảo. Trong chùa bài trí 8 án thờ, trong đó 3 án thờ chính là án thờ Phật (có 7 tượng Phật), án thờ thánh Quan Công và án thờ “Thập nhị tôn phái” (tức 12 vị thủy tổ đã có công khai lập làng). Trên các hàng cột đều có treo đối liễn xưa. Sau khi Văn chỉ làng Hiền Lương bị chiến tranh phá hủy, dân làng đã rước ảnh đức Khổng Tử đến thờ ở gian tiền hữu. Chái sau khá rộng là nơi lưu giữ nhiều sắc phong và các tài liệu thư tịch cổ của chùa và của làng Hiền Lương. Ở chái trước, bên trái đặt giá treo chuông đồng, bên trên đặt giá treo trống, theo nguyên tắc “tả chung, hữu cổ”. Ngoài ra trước mặt chùa người dân còn dựng nên tượng đài Quan Thế Âm Bồ Tát để mỗi đi qua lại có thể nhìn thấy rõ.

Đất nước thống nhất, hòa bình lập lại, con dân làng khắp hai miền Nam, Bắc lần lượt cùng nhau về thăm lại cố hương, quê cha đất tổ. Mái chùa xưa còn đó nhưng do ảnh hưởng chiến tranh, thiên tai lâu ngày nay đã xuống cấp trầm trọng. Mọi người đều ngậm ngùi, lo lắng cho di sản quý báu của Tổ tiên truyền lại đến nay có nguy cơ sụp đổ, mai một. Thể theo nguyện vọng của con dân, hội đồng bô lão đại diện cho tất cả họ tộc quyết định kêu gọi ủng hộ tôn tạo chùa làng. Trong niềm hân hoan vô biên, ngày 21 tháng 8 năm 1992, Phật sự hoàn thành tốt đẹp, làng tổ chức lễ khánh tạ và đón nhận bằng công nhận chùa Giác Lương là “Di tích Lịch sử - Văn hóa Quốc gia”. Đây là một vinh dự lớn, lần đầu tiên một ngôi chùa làng ở Thừa Thiên Huế được Nhà nước xác lập đủ tiêu chuẩn xếp hạng này.

Đang tải...
Đang mở cửa • Đóng cửa 18:00 PM

Chứng nhận: Di sản văn hóa cấp Quốc gia

Nhóm tài nguyên: Di Tích, Lịch Sử, Văn Hoá
Địa chỉ: làng Hiền Lương, xã Phong Hiền, Phong Điền, Thừa Thiên Huế

Đánh giá

0
0 đánh giá
Tuyệt vời
0
Rất tốt
0
Tạm được
0
Không thích
0
Tồi tệ
0

Báo chí