Công viên văn hóa và Khu lưu niệm đồng chí Tố Hữu là một công trình được xây dựng tại thôn Tân Xuân Lai, xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế - một niềm tự hào to lớn của người dân quê hương Tố Hữu, được xây dựng nhằm tri ân những đóng góp của ông cho sự nghiệp đấu tranh cách mạng, xây dựng đất nước, góp phần giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ và cũng là địa điểm tham quan góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Tố Hữu, tên thật là Nguyễn Kim Thành quê gốc ở làng Phù Lai, nay thuộc xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế, là một nhà thơ tiêu biểu của thơ cách mạng Việt Nam, đồng thời ông còn là một chính khách, một cán bộ cách mạng lão thành. Ông đã từng giữ các chức vụ quan trọng trong hệ thống chính trị Việt Nam như Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Bộ trưởng (Nay là Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ) nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Ở Tố Hữu có sự thống nhất đẹp đẽ giữa cuộc đời cách mạng và cuộc đời thơ, giữa lý tưởng trong trái tim và những câu thơ trên đầu bút. Chặng đường thơ của Tố Hữu là chặng đường lịch sử của cả một dân tộc. Ông được coi là lá cờ đầu của thơ ca cách mạng và kháng chiến, được tôn vinh là "nhà thơ của cách mạng", "nhà thơ của nhân dân”… Trong 2 cuộc kháng chiến, Tố Hữu đã sáng tác rất nhiều bài thơ để cổ vũ tinh thần cho chiến sỹ và nhân dân, gắn liền với suốt chiều dài lịch sử kháng chiến. Nổi tiếng nhất là những bài thơ như Việt Bắc, Lượm, Hoan hô chiến sĩ Điện Biên, Việt Nam máu và hoa, Từ Cu-ba,... Thơ Tố Hữu thanh đạm, dịu ngọt, thấm sâu vào tâm hồn mọi thế hệ, từ người "đã ngã xuống cánh rừng trai trẻ" hay "người đến với thơ ông suốt thời thơ ấu", được lưu giữ và phát huy như một sức mạnh tinh thần, một giá trị văn hóa tiềm ẩn trong con người thời đại Hồ Chí Minh.
Công viên Văn hóa và Khu lưu niệm nhà thơ Tố Hữu hoàn thành đúng dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông (4-10-1920 - 4-10-2020). Nơi đây không chỉ là nơi tưởng nhớ, ghi ơn công lao, đóng góp của ông cho nền cách mạng, văn học nước nhà mà còn là địa chỉ đỏ để người dân tới tham quan, tìm hiểu truyền thống cách mạng đẹp đẽ trong ông.
Công trình này có diện tích hơn 4.000m2, bao gồm: nhà thờ rộng 70m2 và nhà lưu niệm rộng 250m2 là nơi trưng bày các hiện vật của nhà thơ Tố Hữu… Ngoài ra còn xây dựng tuyến kè sông Bồ, đoạn thượng lưu và hạ lưu cầu Niêm Phò B, xã Quảng Thọ, dài gần 300m. Dự án có tổng mức đầu tư gần 25 tỷ đồng.
Ông Hoàng Công Phong, Chủ tịch UBND xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền cho biết: “Có thể nói rằng sau địa điểm khu di tích lưu niệm Quốc gia Đại tướng Nguyễn Chí Thanh thì đây cũng là địa chỉ đỏ thứ hai để nhằm phát huy cái truyền thống và giáo dục thế hệ trẻ trên địa bàn của xã nói riêng cũng như địa bàn toàn huyện nói chung với những vần thơ, những ý nghĩa về cách mạng để thế hệ trẻ được hiểu và sâu sắc hơn về tinh thần cách mạng anh dũng của các bác đi trước”.