Hòn Chồng

Nhắn ai viếng cảnh Nha Trang,

Muốn tìm dấu cũ thì sang Tháp Bà.

Muốn trông trời biển bao la,

Con thuyền nho nhỏ bơi ra Hòn Chồng.

Đối với người dân Nha Trang, không ai lại không biết thắng cảnh Hòn Chồng – một bãi đá tự nhiên tồn tại từ bao đời, cùng với sự hình thành và phát triển của thành phố. Tuyệt tác tự nhiên này được xếp hạng là di tích quốc gia vào năm 1998, và trở thành điểm tham quan không thể bỏ qua khi ghé qua Nha Trang.

1. Vị trí và sự hình thành

Hòn Chồng là một thắng cảnh tự nhiên ở thành phố Nha Trang, thuộc khóm Hòn Chồng, phường Vĩnh Phước

Danh thắng Hòn Chồng được hình thành do sự kiến tạo của tự nhiên, với một quần thể những khối đá lớn, nhỏ, tạo thành nhiều lớp chạy dài từ chân đồi Lasan ra tận biển. Có chỗ đá chìm dưới nước, có chỗ đá nổi trên mặt biển xanh tuỳ theo con nước thuỷ triều lên xuống. Có nơi đá tạo thành lớp nằm giăng hàng, có nơi đá lớn, đá nhỏ chồng lên nhau trông thật kỳ thú. Đặc biệt, khu vực gần bờ, trong số những khối đá nhỏ đè lên nhau, bỗng nổi lên một tảng đá lớn, khối hình bằng phẳng, vuông vức. Trên tảng đá này lại xuất hiện một tảng đá lớn hơn nằm chênh vênh ra biển, trông như con thú đang rình mồi, nhiều chỗ lồi ra, lõm vào. Trên mặt đá hướng ra biển Đông, hiện rõ những vết lõm, trông giống hình một bàn tay khổng lồ in vào vách đá. Khóm đá này được gọi là Hòn Chồng.

2. Sự tích Hòn Chồng

Có rất nhiều câu chuyện dân gian thú vị xoay quanh sự tích Hòn Chồng, lạ nhất là trên một khối đá lớn nằm trên mỏm cao nhất của Hòn Chồng có in dấu một bàn tay khổng lồ hằn sâu trong đá, đủ cả lòng bàn tay và 5 ngón tay, như thể thuở mới tạo sơn, đá chưa kịp đông cứng lại, đã có một bàn tay khổng lồ nào bấu vịn vào, để lại dấu vết đến ngày nay.

Liên quan đến mỏm đá này, người dân miền biển truyền miệng nhau câu chuyện về ông khổng lồ đã từng đặt chân đến đây để đắp núi, xây nên vịnh Nha Trang ngày nay. Một hôm, khi ông khổng lồ đang ngồi câu cá, có một con cá to cắn câu lôi đi, ông phải kéo lại, tay cầm cần câu, tay tì vào tảng đá lấy đà khiến bàn tay ấn vào đá và để lại dấu như đã thấy. Theo một truyền thuyết khác, xưa có một chàng trai đến xứ này ngoạn cảnh, gặp bầy tiên nữ đang tắm, chàng trai dừng lại say sưa ngắm và vô tình trượt chân ngã, chàng vội bám tay vào núi khiến sườn núi sụp đổ, đá văng xuống để lại vết bàn tay hằn trên đá.

Lại cũng có thêm một truyền thuyết khác nói về Hòn Chồng: Xưa kia, nơi đây vốn còn những vách đá cao và dựng đứng. Một ngày nọ, có một chiếc thuyền của đôi vợ chồng trẻ bị sóng to gió lớn đánh trôi dạt vào cửa biển này. Sóng xô thuyền đụng vào vách đá vỡ tung. Sóng lớn cuốn lôi người vợ ra xa. Người chồng vội lao ra kéo người vợ vào nhưng sóng càng lúc càng mạnh. Người chồng một tay dìu vợ, một tay bám được vào vách đá. Vốn đã chênh vênh muốn đổ, nay lại thêm sức mạnh của người chồng bám vào nên vách đá đổ ào xuống biển và nhấn chìm cả đôi vợ chồng trẻ bất hạnh. Họ chết đi nhưng dấu bàn tay của người chồng còn hằn sâu trong đá và giữ mãi với thời gian.

3. Vẻ đẹp kì thú của Hòn Chồng

Không ồn ào, náo nhiệt như các bãi biển dọc theo đường Trần Phú, Hòn Chồng mang một vẻ đẹp bình yên, tĩnh lặng nhưng không kém phần thơ mộng, hữu tình với một bên là núi, một bên là biển và một bên là đồi. Nơi đây là một quần thể những khối đá lớn nhỏ khác nhau, nhiều tầng, nhiều lớp, mang hình thù kỳ lạ.

Dưới bàn tay diệu kỳ của tạo hóa các lớp đá cứ như thể chồng lên từ cao xuống thấp mà chẳng hề có lấy một vật dụng kết dính. Ngoài ra bãi đá còn nhiều những tảng đá có hình dáng khác nhau nối dài và tạo dáng kỳ lạ như có hai hòn đá dựng đứng, bắc ngang qua là một hòn đá khác tạo nên một chiếc cổng lý thú thu hút du khách. Lạ lùng thay, những khối đá cao lớn cứ chồng lên nhau chênh vênh trường tồn qua năm tháng giữa thiên nhiên đất trời mặc sóng biển hay mưa bão đánh ngã cũng chẳng thể nào lung lay được chúng.

Nếu quan sát kĩ, bạn có thể thấy những tảng đá nằm kẹt chính giữa như để giữ thăng bằng cho hai tảng đá lớn hai bên đã tạo nên sự huyền diệu, kì thú cho hòn Chồng. Đi giữa bãi đá còn nhiều tảng đá chồng chất kỳ lạ như cảnh hai hòn đá dựng đứng, giữa có chẹt một hòn đá lớn như cái cổng qua một cụm đá khác.

Cách Hòn Chồng không xa, một khóm đá được gọi là Hòn Vợ. Khóm Hòn Vợ cũng có nhiều lớp lớp sắp đặt nằm giăng hàng, lớp lại chồng lên nhau giống như đá ở Hòn Chồng, nhưng khăng khít hơn và tạo hình cũng đa dạng hơn.

Ban ngày, đứng trên Hòn Chồng bạn cũng có thể thấy bờ biển Nha Trang trải dài gần 6km ôm lấy thành phố, nhìn ra xa là Hòn Yến, quay về bên phải là Cảng Cầu Đá, Hòn Tre ( Vinpearl Land Nha Trang). Khuất bên mũi đồi Lasan, nhô ra biển là cửa sông Nha Trang, bến cá Cù Lao. Nhìn từ phía Hòn Chồng ở bên kia là núi Cô Tiên. Từ vị trí bên Hòn Chồng sẽ nhìn rất rõ Hòn Đỏ (nơi đặt ngôi chùa Từ Tôn).

Ngoài ra, ở mặt đường trên đường đi xuống Hòn Chồng còn có Hội quán Vịnh Nha Trang, nơi trưng bày nhiều tranh ảnh về Hòn Chồng và các thắng cảnh ở Nha Trang. Hội quán được thiết kế theo phong cách nhà rường Huế.

Đang tải...
Đang mở cửa • Đóng cửa 18:00 PM

Chứng nhận: Di sản văn hóa cấp Quốc gia

Nhóm tài nguyên: Danh lam thắng cảnh
Địa chỉ: Phường Vĩnh Phước,   Nha Trang, Khánh Hòa

Đánh giá

0
0 đánh giá
Tuyệt vời
0
Rất tốt
0
Tạm được
0
Không thích
0
Tồi tệ
0

Báo chí