Làng truyền thống Cơ Tu

Từ thị trấn P’Rao của huyện Đông Giang, theo đường Hồ Chí Minh đến AZích xã B’ha Lê, rẽ phải về huyện A Lưới tỉnh Thừa Thiên Huế, rẽ trái đi chừng 25 km là về tới huyện Tây Giang, Quảng Nam. Đường lên Tây Giang núi tiếp núi, vùng này quanh năm bốn mùa mây giăng trắng núi, thi thoảng có những cơn mưa rừng lác đác phảng phất càng làm cho nơi đây thêm huyền diệu hơn…

Sáng sớm, nhìn từ phía dưới chân núi Agrồng tại khu trung tâm hành chính của huyện Tây Giang, trên một quả đồi nhỏ phía đông, lẩn khuất sau làn sương khi mờ khi tỏ, là những mái nhà của làng mới “Làng truyền thống của người Cơ Tu” khép kín theo mô hình nhà cổ truyền thống Cơ Tu còn lại duy nhất hiện nay ở vùng Trường Sơn.

Làng truyền thống Cơ Tu được xây dựng trên một quả đồi có diện tích khoảng 5ha, riêng mặt bằng dành cho làng truyền thống khép kín này đã hơn 1ha; kinh phí đầu tư gần 3 tỷ đồng. Mô hình nhà truyền thống vào loại cổ nhất của người Cơ Tu còn sót lại trên vùng Trường Sơn còn lại hiện nay ở thôn Atu, xã Ch’Om. Đây là ngôi nhà sàn có chiều dài gần 30 m, với nhiều thế hệ sinh sống được giữ nguyên trạng và phải mất hơn ba tháng tháo dỡ và vận chuyển trên khoảng đường gần 30km - vùng giáp với nước bạn Lào mới về tại đây. Hầu hết các nghệ nhân, già làng người Cơ Tu từ các xã như: Ga Ri, Ch’Om, Tr’Hy, A Xan xã ATiêng…đều tham gia mô hình thiết kế cho gươl và khôi phục lại nhà dài. Gươl truyền thống của làng và nhà dài ở vị trí đối xứng nhau; với 10 ngôi nhà Moong bố trí ngang nối khoảng cách giữa gươl và nhà dài với nhau tạo nên một không gian khép kín như một bản làng truyền thống của người Cơ Tu thu nhỏ. Gươl, nhà dài và cả nhà Moong đều được làm từ các vật liệu gỗ, mây, lồ ô, lá tranh. ở những chỗ có kết cấu chủ yếu là gỗ chịu lực phần dưới, phần trên cột, kèo, dầm sàn bằng cây gỗ tròn, có vách bao che xung quanh bằng ván. Sàn nhà bằng tre chẻ nhỏ đan thành liếp, một số bằng ván sạp.

Gươl tại làng truyền thống có quy mô vào loại Gươl to lớn nhất trong vùng từ trước đến nay, với hàng loạt các tác phẩm hội họa và điêu khắc nghệ thuật thật tuyệt tác như: trăn, voi, sư tử, rồng, rắn, kỳ đà, tượng người, tượng khỉ, mặt nạ, một số điêu khắc trên gỗ mô phỏng cảnh sinh hoạt lễ hội và cuộc sống đời thường của cộng đồng người Cơ Tu… Sân của gươl và nhà dài có vườn hoa cây cảnh. Sườn đồi xung quanh làng truyền thống trồng thông và cây tạo tính thẩm mỹ cho nhà sàn; phía đông của làng là một khu rừng sinh thái được bảo vệ nghiêm ngặt. ở giữa sân có cột đâm trâu (X’nur). Đây sẽ là nơi tổ chức lễ hội đâm trâu, hội hè, ăn mừng lúa mới…hằng năm của cộng đồng người Cơ Tu.

Nằm giữa bao la của đại ngàn Trường Sơn, từ bao đời nay người Cơ Tu có nền văn hóa lâu đời, gắn chặt đời sống tâm linh vào các điều kiện tự nhiên. Sản xuất và sinh hoạt văn hóa của bà con gắn bó mật thiết với sự hình thành và phát triển của cộng đồng làng, tạo nên bản sắc văn hoá truyền thống riêng với những yếu tố cơ bản như: ăn ở, cưới hỏi, trang phục, lễ hội, nghề truyền thống, phong tục-tập quán, luật tục, điêu khắc, hội họa… Trong quá trình phát triển và tiếp cận cũng như quá trình giao lưu giữa các nền văn hóa khác, bản sắc văn hóa của dân tộc vẫn được người Cơ Tu giữ nguyên giá trị truyền thống. Tuy nhiên, thực tế hiện nay cho thấy, một bộ phận không nhỏ người Cơ Tu do chưa nhận thức đúng đắn đã bỏ dần những sinh hoạt truyền thống đặc sắc của dân tộc mình; một bộ phận khác lại choáng ngợp trước những cái mới, lạ bên ngoài và nhất là ngôi nhà làng truyền thống-Gươl đã mất dần đi vai trò trong đời sống cộng đồng. Chưa kể đến ngôi nhà sàn truyền thống mà người Cơ Tu đã chắt chiu và nâng niu. Cũng chính vì nó đã làm cho đời sống và tinh thần của người Cơ Tu từ bao đời nay thêm gần gũi và gắn bó với môi trường thiên nhiên, nhưng những kiến trúc cơ bản như mái lợp bằng những lá mây, tranh, lá nón thật mát mẻ và dễ chịu đã bị thay vào đó là những mái tôn xanh, đỏ… không gian cũng như bố cục của một làng truyền thống không còn như xưa. Trang phục truyền thống ít được duy trì và phát huy. Các điệu dân ca, hát lý, hát đối đáp, các loại nhạc cụ như: ABel, Tăm bét alui, A sàng… hay cồng chiêng ít được quan tâm. Nghệ thuật điêu khắc, hội họa và các ngành nghề thủ công truyền thống không còn duy trì.

Trong bối cảnh đó, dự án xây dựng “Làng truyền thống Cơ Tu” ở Tây Giang ra đời không chỉ là niềm vui của người dân Cơ Tu, mà còn góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào, tạo điều kiện để văn hóa Cơ Tu được gìn giữ, giao lưu và truyền bá rộng rãi. Đây còn là nơi giới thiệu văn hóa Cơ Tu cho bạn bè gần xa, để thu hút du khách, thúc đẩy phát triển du lịch văn hóa, du lịch sinh thái ở địa phương trong tương lai.

Đang tải...
Đang mở cửa • Đóng cửa 22:00 PM

Chứng nhận: Di sản văn hóa cấp Tỉnh/Thành phố

Nhóm tài nguyên: Tập quán xã hội và tín ngưỡng
Địa chỉ: Xã A Tiêng, Tây Giang, Quảng Nam
Diện tích: 5 ha

Đánh giá

0
0 đánh giá
Tuyệt vời
0
Rất tốt
0
Tạm được
0
Không thích
0
Tồi tệ
0

Báo chí