Khu bảo tồn văn hóa Bhnong

Khu bảo tồn văn hóa Bhnong thuộc thị trấn Khâm Đức, huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam. Người Bhnong (thuộc dân tộc Giẻ-triêng) chiếm khoảng 75% dân số toàn huyện, với hơn 17.000 người. Người Bhnong ở Phước Sơn còn lưu giữ khá nhiều nét văn hóa đặc sắc, trong đó ẩm thực, cồng chiêng, điệu múa truyền thống… là tiêu biểu nhất. Nhằm khôi phục, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của người Bhnong, huyện miền núi Phước Sơn đã có nhiều cách làm hay, phù hợp với điều kiện đặc thù của địa phương, đặc biệt trong đó huyện chủ trương xây dựng và phát triển khu bảo tồn văn hóa Bhnong.

Cũng như nhiều thành phần dân tộc anh em khác, người Bhnong ở huyện Phước Sơn cũng có nhiều nét văn hóa đặc trưng từ ẩm thực, trang phục, âm nhạc, chuyện cổ tích, điệu múa cồng chiêng… Tuy nhiên do quá trình di cư cũng như trải qua nhiều biến thiên của lịch sử, nhiều nét văn hóa tốt đẹp đó đã bị mai một. Trước thực tế đó, từ năm 2018, huyện Phước Sơn đã đề ra nhiều giải pháp để sưu tầm, phục dựng, khôi phục và bảo tồn các nét đẹp văn hóa của tộc người Bhnong cho thế hệ mai sau. Trong đó, việc tổ chức liên hoan ẩm thực, cồng chiêng toàn huyện đã được bà con các dân tộc anh em trên địa bàn huyện Phước Sơn đón nhận nhiệt tình. Nhiều món ẩm thực tưởng đã thất truyền, nhiều điệu múa hay, đẹp, tưởng chừng đã thất lạc, nay đã được các già làng truyền lại cho con cháu…

Huyện Phước Sơn luôn coi trọng việc tổ chức sưu tầm, phục hồi các món ẩm thực truyền thống của bà con DTTS; đưa các nghệ nhân am hiểu văn hóa dân tộc truyền dạy lại cho thế hệ trẻ, nhất là học sinh tại các trường PTDTNT; định kỳ tổ chức liên hoan cồng chiêng; tổ chức các cuộc thi về ẩm thực, văn hóa văn nghệ… Do đó, vào năm 2019, lễ hội tết mùa người Bhnong lần thứ nhất đã chính thức diễn ra tại sân vận động thị trấn Khâm Đức. Tại lễ hội, bà con người Bhnong đến từ 12 xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã tái hiện các nghi thức cúng tế thần linh, tạ ơn trời đất, trình diễn ẩm thực và các trò chơi dân gian truyền thống.

Lễ hội tết mùa truyền thống Bhnong - Gié Triêng lần thứ nhất năm 2019 tại khu bảo tồn văn hóa Bhnong của huyện Phước Sơn là một trong những hoạt động văn hóa mang ý nghĩa vừa bảo tồn, khôi phục các nét đẹp truyền thống tộc người, vừa thắt chặt tình đoàn kết của cộng đồng các dân tộc thiểu số tại huyện Phước Sơn, quan trọng nhất thông qua lễ hội lần này cũng là dịp để huyện Phước Sơn quảng bá tiềm năng du lịch văn hóa cộng đồng, du lịch sinh thái, lịch sử đến với bạn bè trong và ngoài tỉnh; tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn huyện Phước Sơn ngày một đi lên. Theo quan niệm của đồng bào dân tộc Bhnong, lễ hội Tết mùa mang một ý nghĩa rất linh thiêng, nhằm tạ ơn thần linh đã cho dân làng một mùa nương rẫy bội thu, cầu mong mưa thuận gió hòa, bản làng bình yên, dân làng khỏe mạnh và con cháu thành đạt.

Để đến với lễ hội tết mùa lần đầu tiên do huyện tổ chức, các xã đã dành nhiều thời gian nghiên cứu, sưu tầm các nét văn hóa đặc trưng gồm vật thể và phi vật thể, như tái hiện nghi thức dựng cây Nêu; tái hiện nghi thức Tết mùa; món ăn truyền thống; đánh, múa cồng chiêng; các trò chơi dân gian hát dân ca, hát đối đáp; trình diễn trang phục truyền thống; trưng bày hiện vật, trình diễn nghề thủ công truyền thống đan lát... đã thể hiện được tính cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất của đồng bào Bhnong.

Một trong những nội dung mà các xã quan tâm nhất là phục dựng và tái hiện nghi thức dựng cây nêu. Đây là nét văn hóa truyền thống đặc trưng của người Bhnong, thể hiện rõ nét văn hóa tâm linh, tín của đồng bào Bhnong qua lễ ăn mừng Lúa mới. Chỉ tay lên các chi tiết trên cây nêu, ông Hồ Điều, đến từ đơn vị xã Phước Đức trình bày: “Cây nêu là biểu tượng sức mạnh, sự đoàn kết gắn bó của dân làng, con chim trên cây nêu thể hiện sự tự do; các sợi dây xum xuê được làm bằng sợi tre biểu hiện cho sự no đủ, đông con đông cháu… ”

Cùng với nghi lễ dựng cây nêu, việc đánh, múa cồng chiêng tại lễ hội cũng được các xã thể hiện khá sôi động, mang âm hưởng của núi rừng tây nguyên. Cồng chiêng được đánh lên thể hiện tín ngưỡng - là phương tiện giao tiếp với siêu nhiên thần linh cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, buôn làng ấm no. Động tác múa cồng chiêng của người Bhnong - Gié Triêng uyển chuyển, nhẹ nhàng, thanh thoát. Các điệu múa mô phỏng các hoạt động sinh hoạt đời thường đồng thời chứa đựng những ý nghĩa mà người Bhnong gửi gắm vào đó.

Đối với văn hóa ẩm thực, ngoài các món ăn truyền thống thường thấy như bánh ốc, cơm lam, thịt chuột rừng... Tại lễ hội lần này, các xã đã dày công trình diễn khá nhiều món ăn truyền thống mới lạ, được chế biến từ các nguyên liệu sẵn có từ núi rừng, sông suối. Trong đó phải kể đến như: cá suối muối chua, lá sắn nấu canh ốc đá, môn dốc xào thịt sóc, cá niêng nướng ống tre… Đáng chú ý, việc thi gói và nấu bánh quát, bánh pen, cơm lam đã tạo ra ấn tượng mạnh với nhiều du khách khi được chứng kiến đôi bàn tay khéo léo khi gói bánh một cách thuần thục của các cô gái Bhnong.

Lễ hội tết mùa người Bhnong lần thứ nhất đã khép lại bằng đêm lễ giã bạn trong không khí rộn ràng của tiếng cồng chiêng, bên ánh lửa bập bùng và những điệu nhảy của các chàng trai, cô gái Bhnong như một sợi dây gắn kết mọi người với nhau bằng tình cảm mộc mạc mà chân thành… Và đó cũng là động lực để bà con Bhnong hăng say lao động trong cuộc sống thường ngày để tiếp tục đón chào lễ hội tết mùa năm sau.

Có thể nói, với sự cố gắng của mình, huyện miền núi cao Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam đã và đang khôi phục gần như nguyên bản các giá trị văn hóa truyền thống tại khu bảo tồn văn hóa của người Bhnong.

Đang tải...
Đang mở cửa • Mở cửa 24h

Chứng nhận: Di sản văn hóa cấp Tỉnh/Thành phố

Nhóm tài nguyên: Tập quán xã hội và tín ngưỡng
Địa chỉ: Thị trấn Khâm Đức, Phước Sơn, Quảng Nam

Đánh giá

0
0 đánh giá
Tuyệt vời
0
Rất tốt
0
Tạm được
0
Không thích
0
Tồi tệ
0

Báo chí