Cửa Ba Lạt Nam Định hay còn gọi là cửa sông Ba Lạt nơi con sông Hồng chảy ra biển Đông. Đến đây, du khách không chỉ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp hoang sơ của cửa biển Ba Lạt mà sẽ được nghe kể về nhiều câu chuyện đẹp cũng như huyền thoại ly kì nơi đây.
Huyền thoại cửa Ba Lạt Nam Định luôn ẩn chứa những câu chuyện li kỳ và bí ẩn. Người ta thường truyền miệng rằng tên cửa Ba Lạt bắt nguồn từ những xác người chết đói vào những năm 1945 khi không được chôn cất, phải cột 3 mối lạt tre và thả trôi ra sông Hồng để đến nấm mồ lớn ở Biển Đông. Nhiều người khác thì kể lại rằng tên Ba Lạt xuất phát từ thời xa xưa khi cửa sông được phân ra làm 3 nhánh nhỏ chứ không như bây giờ. Còn một số tài liệu ghi chép khách thì cho rằng Ba Lạt chính là một cái tên làng xưa.
Theo ghi chép lịch sử, cửa sông Ba Lạt cho đến thế kỷ 18 vẫn thuộc nhánh sông nhỏ khi nhánh sông chính là sông Sò với 2 cửa Lân và cửa Hà Lan. Năm 1787, một cơn lũ lớn dâng nước ngập và đã khai thông cửa Ba Lạt thành cửa lớn trong khi sông Sò đã bị lấp. Sự kiện đó đã được lịch sử ghi lại là "Ba Lạt phá hội" với nhiều ruộng vườn đã biến mất khi dải đất màu mỡ xuất hiện.
Cửa biển Ba Lạt có dòng chảy vô cùng phức tạp với nhiều thay đổi thất thường. Mỗi năm, nơi đây lại có những biến đổi nhất định không năm nào giống năm nào. Tại cửa biển có nhiều rừng ngập mặt, nhiều chỗ xoáy sâu, chỗ quẩn. Nơi tiếp giáp giữa biển và sông, giữa nước mặn và nước ngọt đã tạo lên một hệ sinh thái nước lợ phong phú mang phù sa màu nâu đỏ rất đặc trưng. Từ đó hình thành những khu rừng ngập mặn bạt ngàn tươi tốt như: cây vẹt, cây đước, cây sú với nhiều thảm động thực vật phong phú.
Từ bờ Bắc có cồn Vành (Thái Bình) sở hữu nhiều khu nuôi trồng thủy hải sản, đánh bắt hải sản và khu du lịch sinh thái cồn Vành. Bờ Nam có cồn Lu - Nam Định với vườn quốc gia Giao Thủy - nơi muôn loài lựa chọn để sinh sống và phát triển những loài chim quý hiếm.
Từ thị trấn Ngô Đồng xinh đẹp thuộc huyện Giao Thủy ra tới cửa sông Ba Lạt chính là một con đường nhựa phẳng lì chạy giữa những cánh đồng xanh tươi, ngút ngàn. Thêm sự chấm phá của những giáo đường cổ kính khiến cho con đường đến cửa Ba Lạt gần hơn. Đến đây du khách sẽ cảm nhận rõ hơn về con gió biển mang theo chút vị nồng mặn của muối cộng với hương rừng sú, rừng đước...mang đến sự thân thương, giao hòa với thiên nhiên.