Nghề làm nước mắm ở Giao Châu đã có từ hàng trăm năm, bắt nguồn từ làng Sa Châu, làng Công giáo Sa Châu. Vì sản xuất 100% thủ công nên công đoạn chế biến vô cùng kỳ công, tỉ mỉ.
Nguyên liệu được dùng chủ yếu là cá nục, cá cuỗm, tép moi còn tươi, không ướp lạnh, không dập nát và phải lựa thời điểm cá béo nhất mới chế biến. Dân ở đây chia thời tiết thành hai mùa, mùa nắng và mùa mưa. Mùa nắng là mùa sản xuất, thời điểm giữa năm, còn đầu và cuối năm mưa nhiều thì dành thời gian để bán.
Hạt muối cũng được lựa chọn tỉ mỉ, công phu, muối mua vào mùa cuối tháng Tư hết tháng Năm, muối rời hạt nào ra hạt đó, bóng trắng. Đặc biệt, muối cần để trong kho hơn 1 năm mới đem ra dùng được để hết vị chát.
Hiện tại, làng Sa Châu còn khoảng 30 hộ sản xuất, chế biến nước mắm, trong đó có 10 hộ sản xuất quy mô lớn. Các hộ sản xuất chế biến nước mắm tại đây đều được Chi cục Nông Lâm Thủy sản tỉnh Nam Định cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm.
Cuộc sống của người dân làng mắm tuy vất vả nhưng ai cũng quen với mùi mắm biển, ai cũng tâm huyết với từng giọt mắm, tạo nên giá trị truyền thống ít nơi nào có được.