Đình Cung Chúc nằm ở thôn Cung Chúc, xã Trung Lập, huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng. Tổng thể di tích đình Cung Chúc được tọa lạc trên một vùng đất khá cao ráo, quay hướng về phía Tây Nam, cách sông Luộc khoảng 200 mét về phía Tây, giáp huyện Tứ Kỳ, thành phố Hải Dương.
Về nguồn gốc lịch sử, theo các tài liệu nghiên cứu thì Đình Cung Chúc được xây dựng cách đây khoảng gần 300 năm, từ thời Hậu Lê khoảng trước năm 1844. Tên cũ của đình là đình Kính Chúc, trước năm 1945 thuộc xã Cung Chúc thuộc tổng Viễn Lang, phủ Vĩnh Bảo, tỉnh Hải Dương.
Với lối kiến trúc độc đáo và các mảng trạm khắc đẹp, đình Cung Chúc trở lên nổi tiếng và là một số rất ít di tích được Nhà nước xếp hạng cấp quốc gia vào đầu những năm 60 của thế kỷ XX. Trải qua thời gian tồn tại, nằm ở địa bàn có mật độ di tích dầy đặc, đình Cung Chúc có những đóng góp rất lớn trong việc nghiên cứu các giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc nghệ thuật của đình làng vùng đồng bằng Bắc Bộ, góp phần tô đẹp thêm truyền thống văn hóa, nghệ thuật của Hải Phòng và cả nước.
Đình còn giữ được một số hiện vật có niên đại trải dài từ thế kỷ XVIII đến thế kỷ XX. Đó là các bức đại tự, cửa võng, long ngai, kiệu, bát hương... đặc biệt có hai bia đá (Hậu thần bia ký) một bia tạo năm Cảnh Trị thất niên (1669), một bia khắc năm Cảnh Hưng thứ 37 (1776). Cả hai bia đều có khung diềm chạm các hình cúc mãn khai, cánh sen, hoa dây, đao lửa, vân tản. Trán bia trạm nổi “lưỡng long chầu nguyệt”. Ngoài ra còn lưu giữ 18 sắc phong. Sắc xa nhất vào năm 1844. Sắc gần nhất là Khải Định ( 1924). Đó là những cổ vật không chỉ có giá trị về mặt niên đại, mỹ thuật mà còn là những văn bản học quý giá, giúp chúng ta có thể khai thác các tài liệu về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, lịch sử. Đây là những nguồn tư liệu cần được bảo tồn làm phong phú thêm kho tàng di sản văn hóa của dân tộc.