Cụm đền chùa Đông Tạ nằm ở cuối làng Đông Tạ thuộc thị trấn Vĩnh Bảo. Theo tư liệu lịch sử, đền Đông Tạ thờ thành hoàng Phan Thành - vị tướng có công với đất nước từ thời Âu Lạc. Chùa Đông Tạ (còn gọi là Đông Ân) có từ thời Vua Hùng thứ 18, không chỉ thờ Phật mà còn là cơ sở hoạt động cách mạng thời kỳ kháng chiến. Trải qua thời gian, cụm di tích vài lần được tu bổ, nhưng từ năm 2004, khi đền và chùa được thành phố công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp thành phố, việc tu bổ mới được tập trung ở quy mô lớn.
Việc xây chùa Đông Tạ và các hạng mục chung quanh cụm di tích không ồ ạt mà làm cẩn thận, dứt điểm từng hạng mục, từng cấu kiện. Đáng chú ý là nội thất ngôi Bảo Điện có nhiều hạng mục làm bằng gỗ tứ thiết, trong đó có các hệ thống cột bằng gỗ lim vững chắc, mỗi cột cao 9, 5 mét. Theo sư thầy trụ trì Thích Diệu Tâm, nếu làm cột xi măng giả gỗ theo kiểu lắp ghép thì tiến độ hoàn thiện chùa đã được rút ngắn từ lâu.
Nhưng với gỗ lim, ngôi chùa sẽ được tôn lên vẻ đẹp của ngôi chùa truyền thống. Bởi vậy, nhà chùa đề cao sự công phu từ lúc chọn mua gỗ đến việc xử lý chất liệu, từ tạo dáng cột lớn đến các cấu kiện tinh vi. Những người thợ mộc từ Ninh Giang (Hải Dương) đến rất khéo léo trong việc đục chạm, tạo hình khối, đường nét các hoa văn họa tiết.