Chùa Đông (Hồi Long Tự)

Chùa Đông là một trong bốn di tích kiến trúc Phật giáo vẫn còn được bảo lưu trên địa bàn xã cùng với chùa Tây, chùa Trung, chùa Bến.

Từ hang Vua theo lối mòn nhỏ chừng 200m, vòng ra sau lưng núi Vệ (thuộc xóm Đồng Gia, làng Quang Trung) là tới một con đường lên chùa Đông, chùa nằm ngay trên sườn núi Vệ. Hai bên đường lên chùa là những khóm Trúc ngà kết ngọn lại tạo thành vòm mái xanh tự nhiên, thanh tịnh, mát mẻ phù hợp với các không gian kiến trúc Phật giáo.

Theo các nguồn dữ liệu được khắc trên bia công đức, chuông chùa, cây Thạch thiên đài trụ hiện còn được lưu giữ, chùa Đông có từ niên đại Vĩnh Thịnh ngũ niên, đời vua Lê Dụ Tông (năm Kỷ sửu 1709). Tại Tam bảo của chùa còn có khắc niên đại lúc sửa chùa: Bảo Đại Nhâm Ngọ 1932. Các lần tu sửa gần đây vào các năm 1998, 2000 có quy mô và kiến trúc như hiện nay.

Tam bảo chùa có kiến trúc kiểu chữ Đinh quen thuộc, các bộ vì kèo được bố cục kiểu “Thuận chồng đấu sen”; tại các đầu dư, bẩy đều được tạo tác trang trí theo các mô típ truyền thống, đồng thời thể hiện những đặc trưng trong tín ngưỡng tâm linh của người Dưỡng Động.

Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, nhà sư trụ trì của chùa lúc bấy giờ là sư Đông (pháp danh Thích Tâm Tuệ, thế danh là Bùi Doãn Quy) với tinh thần yêu nước, nhà sư đã tổ chức việc nuôi dấu cán bộ kháng chiến. Từ những cống hiến đó, ngày 09/8/1966, thủ tướng Phạm Văn Đồng đã ký Quyết định tặng Bằng khen cho nhà sư vì đã có góp công sức trong cuộc kháng chiến lâu dài và anh dũng của dân tộc.

Đang tải...
Đang mở cửa • Mở cửa 24h

Nhóm tài nguyên: Di tích lịch sử
Địa chỉ: Minh Tân, Thủy Nguyên, Hải Phòng

Chưa có đánh giá nào.
Hãy là người đầu tiên chia sẻ cảm nhận!

Báo chí