Với bề dày lịch sử hình thành và phát triển, trải qua nhiều thời kì giao lưu và tiếp biến văn hóa, Hội An cho đến nay còn lưu giữ một quần thể di tích kiến trúc độc đáo, chứa đựng bên trong những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể vô cùng đa dạng, phong phú. Bộ phận di sản phi vật thể góp phần quan trọng cùng các di sản vật thể định hình nên những giá trị đặc trưng của Khu phố cổ Hội An, khắc họa đậm nét diện mạo văn hóa Hội An trong bức tranh văn hoá Xứ Quảng. Việc hữu hình hóa, cụ thể hóa các hình thái văn hóa, văn nghệ dân gian ở địa phương thông qua trưng bày, giới thiệu hình ảnh và hiện vật có liên quan là việc làm cần thiết nhằm giới thiệu, quảng bá các giá trị của di sản Hội An đến với người dân và du khách. Tại Hội An, một trong những nơi lưu giữ nhiều nét đẹp văn hóa của cư dân địa phương chính là Bảo tàng Văn hóa Dân gian, hiện tọa lạc tại số 33 Nguyễn Thái Học.
Ấn tượng đầu tiên khi du khách đến tham quan bảo tàng là ngôi nhà cổ hai tầng nối dài qua 2 tuyến đường có hàng trăm tuổi. Đây là một trong những ngôi nhà dài nhất Hội An với chiều dài lên đến 57 mét, bên trong có hai sân trời rộng và thoáng mát để du khách dừng chân nghỉ ngơi. Ngôi nhà có hai mặt tiền, một mặt hướng ra tuyến phố đường Nguyễn Thái Học, mặt còn lại hướng ra đường Bạch Đằng, giáp sông Thu Bồn. Từ năm 2005, ngôi nhà cổ điển hình này trở thành Bảo tàng Văn hóa Dân gian và đi vào hoạt động, đón khách tham quan cho đến nay.
Với tổng diện tích trưng bày gần 1000 mét vuông, Bảo tàng lưu giữ và trưng bày hơn 800 hiện vật gốc được sưu tầm trong dân gian qua các năm. Qua đó, giới thiệu các giá trị truyền thống văn hóa, đời sống tinh thần, sự sáng tạo cùng những đóng góp của các thế hệ cư dân địa phương trong quá trình xây dựng và phát triển vùng đất Hội An.
Tầng một là không gian trình diễn của nghề lụa tơ tằm nổi tiếng của Xứ Quảng. Dưới sự hướng dẫn tận tình của đội ngũ thuyết minh, du khách sẽ được khám phá đầy đủ quá trình trồng dâu, nuôi tằm, kéo kén, dệt vải cho đến khi ra thành phẩm cuối cùng là tấm vải lụa. Kế đến là gian trưng bày nghề may, nghề mộc, nghề gốm với ba bộ sưu tập dụng cụ nghề và các sản phẩm đặc trưng. Đây là những ngành thủ công hưng thịnh trong quá khứ đã góp phần hình thành diện mạo thương cảng Hội An. Trong thời kỳ hội nhập, những làng nghề truyền thống này còn đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế du lịch của địa phương.
Tầng hai, trưng bày ba chủ đề gồm không gian sinh hoạt truyền thống, nghề truyền thống, tạo hình và diễn xướng dân gian. Gian mặt tiền 62 Bạch Đằng, đối diện bờ sông Thu Bồn là nơi tái hiện không gian sinh hoạt truyền thống của người dân Hội An với gian thờ tự, phòng khách, gian bếp, phòng ngủ cùng những hiện vật gốc độc đáo, cổ xưa như là tủ thờ, liễn đối, giường thùng, nồi đồng, chén đồng… Ở đây còn trưng bày giới thiệu một số trang phục của người Hoa, người Việt, tập tục ăn trầu, cưới hỏi, qua đó nhấn mạnh sự giao lưu và dung hòa giữa hai nền văn hóa Hoa-Việt vốn đã trở thành đặc trưng của vùng đất “hội nhân, hội thủy, hội tụ văn hóa” này.
Gian giữa tầng hai trưng bày bộ sưu tập hiện vật thuộc nghề nông, nghề sông nước và nghề buôn. Từ những hiện vật hiện hữu như chiếc gàu sòng, cái cày, nơm, nhũi bắt cá, những bao hàng hóa trên đĩa cân, bộ bàn tính, tiền đồng… đến những hình ảnh và lời thuyết minh súc tích sẽ giúp du khách dễ dàng hình dung được cuộc sống mưu sinh hằng ngày vất vả mà cũng đầy sinh động của người dân nơi đây. Với vị trí tự nhiên nhiều sông ngòi, giáp biển, kênh rạch chằng chịt, có nhiều bãi bồi phù sa lại nằm trên tuyến đường hàng hải quan trọng bậc nhất châu Á, Hội An có được nhiều thuận lợi để phát triển ba ngành nghề kinh tế này, góp phần phát triển đời sống dân cư, đưa Hội An trở thành thương cảng vang danh một thời và ngày nay là địa điểm tham quan nổi tiếng thế giới.
Ở gian cuối cùng của tầng hai, du khách đến với không gian trưng bày các hình thái diễn xướng dân gian đặc trưng của Hội An gồm hát Bả trạo, Bài chòi, múa Thiên cẩu. Càng hấp dẫn hơn khi du khách được thưởng thức những làn điệu diễn xướng của Bả trạo, Bài chòi, lắng nghe tiếng trống cắc – tùng hòa nhịp trong điệu múa Thiên cẩu thông qua màn hình trình chiếu. Ngoài ra, trong không gian này còn trưng bày nhiều sản phẩm về nghệ thuật tạo hình dân gian bao gồm những hiện vật về thờ tự, đồ dùng gia đình, các hình ảnh chạm trổ, điêu khắc độc đáo được thể hiện trong các di tích, kiến trúc của Hội An. Dưới bàn tay khéo léo của bao thế hệ nghệ nhân, các chi tiết kiến trúc và sản phẩm dân gian ấy thăng hoa trở thành những tác phẩm nghệ thuật chứa đựng khát khao về cuộc sống, quan niệm tri thức và thẩm mĩ của cư dân địa phương, thể hiện mạnh mẽ sự giao thoa của nhiều nền văn hóa đã từng tồn tại ở đô thị thương cảng Hội An.
Sau khi tham quan các chủ đề trưng bày, du khách có cơ hội trải nghiệm học viết thư pháp, làm lồng đèn, thêu tay trên vải hay thưởng thức chén trà Việt thơm dịu tại các gian trình diễn nghề ở tầng một.
Trong hành trình tham quan phố cổ nhộn nhịp, đông đúc, du khách bước chân vào không gian tĩnh lặng của Bảo tàng Văn hóa Dân gian, thả hồn về với quá khứ, cảm nhận những giá trị văn hóa lâu đời theo dòng chảy thời gian lưu truyền đến hiện tại và tiếp nối đến đời sau. Dừng lại một chút, chậm lại một chút để khi ra khỏi đây, tâm hồn lấp đầy hoài niệm của truyền thống, để tiếp tục chuyến tham quan với những cảm nhận sâu sắc hơn về giá trị của một Đô thị cổ vang bóng một thời.
Bảo tàng Văn hóa Dân gian ngày nay không chỉ là điểm khám phá về giá trị văn hóa địa phương mà còn là nơi triển khai các hoạt động giáo dục di sản trong học đường cho học sinh trên địa bàn thành phố. Qua đó, giúp các em có những hiểu biết cơ bản về di sản văn hóa Hội An, góp phần hình thành và nâng cao ý thức gìn giữ, bảo tồn những giá trị văn hóa ấy cho đến mai sau.