Bảo tàng Gốm sứ Mậu Dịch

Năm 1995 Bảo tàng chuyên đề Gốm sứ Mậu dịch được hình thành với sự giúp đỡ của các chuyên gia Nhật Bản. Với 368 hiện vật có niên đại từ thế kỷ IX -X đến thế kỷ XIX được tìm thấy ở các điểm khảo cổ tại Hội An đã phản ánh sinh động về con đường gốm sứ mậu dịch trên biển vào các thế kỷ trước, khi Hội An còn là tụ điểm giao lưu thương mại trên biển của các thương thuyền Đông-Tây-Á-Âu. Đây là ngôi nhà hai tầng tiêu biểu với ban công bằng gỗ xây dựng vào khoảng thế kỷ XIX. Ở đây, có thể thấy được tổng thể không gian điển hình của kiến trúc nhà cổ ở Hội An, được chia làm 3 phần: nhà trước, nhà sau và nhà cầu. Sân trời được bố trí giữa nhà trước và nhà sau, bếp và khu vệ sinh ở phía sau cùng.

Giới thiệu các di chỉ trong Khu Phố Cổ Hội An

Di chỉ hội quán Triều Châu

Nằm ở phía Bắc đường Nguyễn Duy Hiệu. Tháng 7/1989, di chỉ đã được các nhà klhảo cổ học thuộc Trường Đại Học Quốc Gia Hà Nội, Bảo Tàng Quảng Nam - Đà Nẵng và Ban Quản lý di tích Hội An đào 4 hố thám sát với mục đích nghiên cứu địa tầng và tìm vết tích những kiến trúc cổ. Tầng văn hóa ở các hố dày từ 1,6m đến 1,9m.

+ Hiện vật thu được gồm:

  • Gốm sứ Đại Việt thời Lê - Nguyễn, gốm sứ Trung Quốc thời Minh - Thanh và một số gốm sứ Nhật Bản (HIZEN). Khung niên đại từ thế kỷ 15 đến thế kỷ 20.
  • Gốm sành: không rõ xuất xứ, có số lượng lớn, phong phú hình loại. Khung niên đại từ thế kỷ 15 đến thế kỷ 20.
  • Gạch, ngói vụn: không xác định được niên đại và xuất xứ.
  • Tiền đồng: 6 đồng còn nguyên vẹn, 4 mảnh còn đoán được niên hiệu các triều vua Việt Nam, Trung Quốc. Tiền đồng đưọc phát hiện từ trên bề mặt đến độ sâu 1,35m. Khung niên đại từ thế kỷ 15 đến thế kỷ 20.

Kết quả khai quật di chỉ cho thấy, tại đây từ lâu đời đã có cư dân sinh sống và cư trú liên tục cho đến nay.

Di chỉ Thanh Chiếm - Cẩm Hà

Di chỉ Thanh Chiếm nằm ven dải cồn cát cao, bên cạnh bờ sông cổ, nay thuộc thôn 6, xã Cẩm Hà, cách trung tâm thị xã khoảng 2 km về hướng Tây - Bắc. Tháng 7/1989, di chỉ đã được các nhà khảo cổ học thuộc Trường Đại học Quốc Gia Hà Nội, Bảo tàng Quảng Nam - Đà Nẵng, Ban quản lý di tích Hội An, điều tra và đào 3 hố thám sát với tổng diện tích 20m2.

Trong các hố đào xuất hiện nhiều hiện vật gốm sứ, phong phú loại hình thuộc các thời kỳ Văn hóa Sa Huỳnh, Champa, Đại Việt có niên đại từ đầu Công nguyên đến thế kỷ 19. Đặc biệt, tại đây đã tìm thấy một số lượng lớn gốm sứ mậu dịch có nguồn gốc từ Trung Quốc (các lò Cảnh Đức Trấn, Phúc Kiến, Quảng Đông..), Nhật Bản (Hizen), cùng với đồ gốm đất nung địa phương (Thanh Hà) có niên đại thế kỷ 17,18. Sự có mặt của các loại hình gốm sứ nhiều thời đại chứng tỏ rằng từ rất sớm vùng bến sông này đã có dân cư sinh sống và việc giao lưu buôn bán đã phát triển.

Di chỉ nhà số 129 - Phan Chu Trinh

Nhà số 129 nằm ở phía Nam đường Phan Chu Trinh, cách Chùa Cầu 200m về phía Tây Bắc. Di chỉ đã được các nhà Khảo cổ học Nhật Bản (Trường Đại học Chiêu Hòa) phối hợp với Bảo tàng tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng và Ban Quản lý di tích Hội An đào thám sát vào tháng 1 năm 1994. Hố thám sát có diện tích 6m2 nằm trong vườn nhà. Trong hố khai quật đã tìm thấy dấu vết của một niên đại thế kỷ 19 - đầu thế kỷ 20 cùng với nhiều mảnh gốm sứ Nhật (HIZEN), gốm sứ Trung Quốc và gốm sành Việt Nam từ thế kỷ 17 đến thế kỷ 19. Khu vực này chưa tìm thấy dấu vết cư trú của con người ở thế kỷ 16, 17.

Di chỉ nhà số 85 - Trần Phú

Di chỉ nhà số 85 nằm phía Nam đường Trần Phú, cách chùa Cầu 300m về phía Đông. Di chỉ đã được các nhà Khảo cổ học Nhật Bản (Trường Đại học Nữ Chiêu Hòa) phối hợp với Bảo tàng tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, Ban Quản lý Di tích Hội An và Viện khảo cổ học khai quật vào tháng 9 năm 1993. Trước khi tiến hành khai quật, di chỉ đã được đào thám sát vào tháng 3 năm 1993. Hố khai quật có diện tích khoảng 8 m2. Trong hố khai quật đã tìm thấy dấu vết của 3 lớp kiến trúc cổ.

  • Lớp 1: Là nền của căn nhà, phía sau nhà số 85 hiện tại.
  • Lớp 2: Dưới đáy cống ngầm của căn nhà lớp trên lộ ra một khoảng sân lát đá. PhíaĐông sân đá là lớp nền của một nhà cầu cổ.
  • Lớp 3: Bên dưới sân lát đá là một lớp nền được lát bằng gạch. Dưới lớp nền này 0.20m lại có thêm một lớp nền gạch nữa lát bên trên bề mặt lớp đất tạo nền.

Theo các khế ước, văn tự của nhà số 85 phố Trần Phú cho biết căn nhà này được kê khai vào khoảng năm 1811. Do vậy, lớp kiến trúc thứ nhất có niên đại cuối thế kỷ thứ 19, đầu thế kỷ thứ 20. Những mảnh gốm tìm thấy ở lớp nền thứ 2 và thứ 3 đều có niên đại cuối thế kỷ thứ 18. Đó cũng là niên đại của lớp kiến trúc này. Tại đây, đã không phát hiện được bất kỳ dấu vết cư trú nào của cư dân Hội An vào thế kỷ 16-17. Vì vậy, có thể đoán chắc rằng, khu vực phía Nam đường Trần Phú hiện nay không phải là phố cổ Nhật Bản ngày xưa.

Di chỉ Đình Cẩm Phô

Di chỉ khảo cổ học đình Cẩm Phô nằm ở phía Bắc đường Nguyễn Thị Minh Khai, cách chùa Cầu 150 mét về phía Tây. Di chỉ đã được các nhà khảo cổ học Nhật Bản (trường Đại học nữ Chiêu Hòa) phối hợp với Bảo tàng tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, Ban quản lý di tích Hội An và Viện Khảo cổ học đào thám sát ba lần.

  • Lần thứ nhất: Tháng 11 năm 1994, hố thám sát có diện tích 4m2 sau đó được mở rộng thêm 3m2. Trong hố thám sát đã tìm thấy dấu vết của một mương nước cổ cùng với nhiều mảnh gốm sứ Nhật (Hizen) gốm sứ Trung Quốc (các lò Cảnh Đức Trấn, Phúc Kiến, Quảng Đông) và gốm sành Việt Nam thế kỷ 16,17.
  • Lần thứ hai: Tháng 3 năm 1994, di chỉ được đào thám sát với diện tích 6m2 trên sân đình. Tại đây, cũng tìm thấy dấu vết của một rảnh nước cổ. Trong lòng rảnh nước tìm thấy nhiều gốm sứ Nhật Bản (Hizen), Trung Quốc và gốm sành Việt Nam thế kỷ 16,17.
  • Lần thứ ba: Tháng 8 năm 1994, hố thám sát được mở ở trước đình rộng 6m2. Tại đây chỉ tìm thấy gốm sứ Nhật Bản (Hizen), gốm sứ Trung Quốc, gốm sành Việt Nam thế kỷ 17.

Những tài liệu thu được qua các cuộc đào thám sát ở đình Cẩm Phô đã khẳng định khu vực này đã có người cư trú từ cuối thế kỷ 16 và trở nên đông đúc hơn vào thế kỷ 17.

Đang tải...
Đã đóng cửa vào 21:00 PM

Nhóm tài nguyên: Công trình đương đại
Địa chỉ: 80 Trần Phú, Minh An, Thành phố Hội An, Quảng Nam

Đánh giá

0
0 đánh giá
Tuyệt vời
0
Rất tốt
0
Tạm được
0
Không thích
0
Tồi tệ
0

Báo chí