Phố cổ Hội An

Được hình thành và phát triển từ các thế kỷ XVI-XVII, phố cổ Hội An từng là một trong những thương cảng quốc tế sầm uất bậc nhất khu vực Đông Nam Á. Nơi đây được xem là trung điểm trao đổi hàng hóa của các thương nhân Á- Âu đến từ các nước Trung Quốc, Nhật Bản, Xiêm La, Ấn Độ hay như Hà Lan, Tây Ban Nha, Anh, Pháp… được tổ chức bằng hình thức chợ phiên quốc tế từ 4 đến 6 tháng liền mỗi năm theo chế độ gió mùa. Chính vì vậy, Hội An được xem là mảnh đất hội tụ, giao thoa và tiếp biến nhiều nền văn hóa Đông - Tây.

Kiến trúc truyền thống

Hội An nổi tiếng bởi vẻ đẹp kiến trúc truyền thống, hài hòa của những ngôi nhà, bức tường và cả những con đường. Cùng với bao biến cố thăng trầm của lịch sử, phố cổ Hội An vẫn giữ những nét đẹp xưa cổ trầm mặc rêu phong trong từng mái ngói, viên gạch, hàng cây… như chính nét bình dị trong tính cách, tâm hồn thuần hậu, chân chất của người dân địa phương.

Kiểu nhà ở phổ biến nhất chính là những ngôi nhà hình ống chỉ một hoặc hai tầng với chiều ngang hẹp, chiều sâu rất dài. Nhà được làm từ những vật liệu có sức chịu lực và độ bền cao do đặc điểm khí hậu khắc nghiệt nơi đây. Hai bên có tường gạch ngăn cách và khung nhà bằng gỗ, chia thành ba gian với lối đi ở giữa. Mỗi ngôi nhà ở Hội An đều đảm bảo sự hài hòa giữa không gian sống và thiên nhiên. Mỗi ngôi nhà đều có phần sân trời của được lát đá và trang trí bể nước, non bộ, cây cảnh, tạo nên một nét đẹp tổng thể.

Với lối kiến trúc độc đáo, không gian ngôi nhà ở Hội An luôn thoáng đãng, tràn ngập ánh sáng mặt trời, con người và thiên nhiên như hòa làm một. Những điều đó đem lại một cuộc sống tự do thoải mái cho người dân địa phương và sự thích thú cho du khách trong chuyến đi du lịch Hội An.

Đường phố ở khu phố cổ được bố trí ngang dọc theo kiểu bàn cờ với những con phố ngắn và đẹp, uốn lượn, ôm lấy những ngôi nhà. Dạo bước chân qua từng con phố nhỏ xinh và yên bình ấy, du khách không chỉ được thưởng thức những món ăn ngon mà còn thấy được một phần cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của người dân phố Hội, một cuộc sống yên bình, giản dị.

Quần thể di tích kiến trúc Hội An hết sức phong phú và tuyệt mỹ vì vậy nơi này đã, đang và mãi là địa điểm thu hút du khách trong và ngoài nước đến tham quan, khám phá và tận hưởng trọn vẹn kỳ nghỉ khi đặt khách sạn ngay khu phố cổ Hội An. Đi du lịch Hội An, du khách sẽ nhận ra rằng, dường như thời gian đã dừng lại ở nơi đây trong từng mái nhà lợp ngói âm dương phủ kín màu rêu, những mảng tường xám mốc xưa cũ, lưu giữ từ xa xưa và tồn tại cho đến ngày nay.

Dạo bước quanh khu phố cổ, du khách sẽ có cơ hội ghé thăm những di tích có niên đại hàng trăm năm tuổi, hòa mình vào không khí lễ hội của “Đêm phố cổ” với các trò chơi dân gian, nghe hô hát bài chòi, hò khoan…hay đơn giản, dừng chân tại một quán nhỏ ven đường thưởng thức các món ăn đặc sản của Hội An như cao lầu, mì Quảng, cơm gà… Tất cả hòa quyện tạo nên một không gian cổ kính, bình dị như chính tính cách lẫn tâm hồn của người dân Phố Hội.

Di tích tiêu biểu

Chùa Cầu

Sẽ là thiếu sót nếu du lịch Quảng Nam mà bạn không tới tham quan “biểu tượng của Hội An” – Chùa Cầu. Nơi đây còn có cái tên khác Chùa Nhật Bản nằm tiếp giáp giữa đường Nguyễn Thị Minh Khai và đường Trần Phú.

Chùa Cầu cong cong, được làm bằng ván gỗ bắc ngang qua con lạch thông ra sông Hoài. Cầu dài 18m có mái che lợp bằng ngói âm dương, quay mặt về phía sông Thu Bồn. Điều đặc biệt là dù được người Nhật xây dựng nhưng chùa Cầu lại mang đậm nét kiến trúc Việt Nam.

Phía trên cửa chính có chạm nổi ba chữ Hán là Lai Viễn Kiều, nghĩa là cầu của những người bạn từ xa đến. Nơi này thường được các thương gia Nhật Bản đến buôn bán vào khoảng giữa thế kỷ 16. Phía trên cầu có một ngôi miếu nhỏ thời thần Bắc Đế Trấn Vũ chuyên trấn trị phong ba, lũ lụt, đem lại niềm vui, hạnh phúc cho mọi người. Ở hai đầu cầu có đặt nhóm tượng khỉ chó ngồi chầu.

Qua năm tháng thời gian và các lần trùng tu, chùa Cầu vẫn là một công trình độc đáo, một nét đẹp kiến trúc đậm phong cách Việt. Đây là tài sản vô giá và chính thức được chọn làm biểu tượng của Hội An

Nhà cổ Tấn Ký

Nhà cổ Tấn Ký là ngôi nhà cổ vinh dự trở thành Di sản cấp Quốc gia và là nơi duy nhất đón tiếp các Nguyên thủ Quốc gia, chính khách trong và ngoài nước. Nhà cổ kết hợp giữa lối kiến trúc Trung Hoa, Nhật Bản và Việt Nam. Với kiến trúc hình ống đặc trưng của đô thị cổ, địa điểm này gồm hai thanh ngang chồng lên nhau, tượng trưng cho thiên – nhân và 5 thanh dọc tượng trưng cho ngũ hành. Kiến trúc hài hòa của ngôi nhà nói lên mơ ước về sự hòa hợp giữa con người và thiên nhiên tại phố Hội.

Nhà cổ Quân Thắng

Nhà cổ Quân Thắng cũng là một trong những nhà cổ đẹp nhất Hội An hiện nay. Phần kiến trúc và điêu khắc tinh tế, sống động của nơi đây do các nghệ nhân làng mộc Kim Bồng thực hiên theo phong cách vùng Hoa Hạ, Trung Hoa. Qua thời gian, nhà cổ vẫn đứng đó như thách thức thời gian, giúp thế hệ ngày nay hình dung được cuộc sống của tầng lớp thương gia ở Hội An xưa kia.

Phố cổ Hội An vẫn luôn mang một nét đẹp riêng trong từng góc phố, từng mái nhà, và trên những con đường nhỏ. Đến đây, du khách có thể cảm nhận được sự ấm áp trong từng món ăn, từ nụ cười thân thiện, gần gũi của người dân. Thậm chí để cả cây cỏ, không gian nơi đây cũng hấp dẫn du khách. Bước đi trên từng con phô nhỏ, bạn như tìm thấy chính mình trong những ngày xưa cũ, những ký ức đẹp đẽ của tuổi thơ trên mảnh đất xa lạ và đầy thân thương này.

Vào ngày 04/12/1999, Đô thị cổ Hội An được tổ chức UNESCO ghi danh vào danh mục các di sản văn hóa thế giới. Đến nay, Hội An đã trở thành điểm đến nổi tiếng trong hành trình khám phá Việt Nam và dải đất miền Trung của du khách trong và ngoài nước.

Đang tải...
Đã đóng cửa vào 22:00 PM

Chứng nhận: Di sản văn hóa Thế giới

Nhóm tài nguyên: Di Tích, Lịch Sử, Văn Hoá
Địa chỉ: Phường Minh An, Thành phố Hội An, Quảng Nam
Diện tích: 30 ha

Đánh giá

0
0 đánh giá
Tuyệt vời
0
Rất tốt
0
Tạm được
0
Không thích
0
Tồi tệ
0

Báo chí