Ngai vàng Điện Thái Hòa

Điện Thái Hòa là ngôi điện quan trọng nhất trong Hoàng Thành, là nơi đặt ngai vàng, một biểu tượng quyền lực của triều đại và là nơi cử hành các nghi lễ quan trọng nhất của triều đình và hoàng gia. Điện Thái Hòa được khởi công xây dựng vào tháng 02 năm 1805 và hoàn thành vào tháng 10 cùng năm. Ngai vàng của hoàng đế là biểu tượng quyền lực của triều đại. Bửu tán: Là cái tàng lọng quý báu, che trên ngai vua, tạo nên sự uy nghi và trang trọng của không gian vua ngự.

Điện Thái Hòa được làm theo lối nhà kép “trùng thiềm điệp ốc” (mái chồng lên nhau, nhà nối liền nhau). Nhà trước và nhà sau nối với nhau bằng một hệ thống vì kèo thứ ba đỡ hệ thống trần được uốn cong lên như hình mai cua, tên gọi chung là trần thừa lưu (trần vỏ cua). Chính điện 5 gian 2 chái kép, tiền điện 7 gian 2 chái đơn, được xây trên nền cao 0,9m so với mặt đất.

Mái điện lợp ngói Hoàng lưu ly, nhưng không phải là một dải liên kết mà được chia làm 3 tầng chồng mí lên nhau theo thứ tự từ cao xuống thấp, gọi là mái “chồng diêm”, mục đích là để tránh đi sự nặng nề của một tòa nhà quá lớn, đồng thời để tôn cao ngôi điện bằng cách tạo ra hiệu ứng thị giác chiều cao cho tòa nhà. Giữa 2 tầng mái trên là dải cổ diêm chạy quanh bốn mặt của tòa nhà, dải cổ diêm được phân khoảng ra thành từng ô hộc để trang trí theo lối “nhất thi nhất họa” (một ô thơ, một bức họa).

Nội thất điện rộng lớn với hệ thống 80 cột trụ gỗ lim sơn son thếp vàng trang trí rồng vờn mây (long vân thủy ba), một biểu tượng về sự gặp gỡ giữa hoàng đế và quần thần đúng như chức năng vốn có của ngôi điện. Tất cả các cột gỗ lim được đặt trên để trụ bằng đá khắc đẽo hình hoa sen, có chức năng chống ẩm từ nền điện. Hệ thống vì kèo, rường cột, xuyên, trến ở đây đều liên kết với nhau một cách chặt chẽ bằng hệ thống mộng, tạo sự vững chắc cho ngôi điện.

Bức hoành phi sơn son thếp vàng khắc 3 chữ “Thái Hòa Điện” được treo phía trên gian chính giữa điện. Theo các nhà nghiên cứu, chữ “Thái Hòa” ở đây mang ý nghĩa triết lý sâu sắc. “Thái” là lớn lao, to rộng; “Hòa” là hài hòa, hòa hợp (cuộc sống hòa hợp giữa âm và dương, giữa cương và nhu, giữa người và người, giữa người và trời đất thì mới hữu ích cho vạn vật. Khi cuộc sống đạt được sự hài hòa rộng lớn trong mọi mối quan hệ thì sẽ có điều kiện để phát triển mạnh mẽ). Có thể xem tên gọi của ngôi điện là mục tiêu, lý tưởng của triều Nguyễn về một đất nước thái bình và vương triều phát triển thịnh vượng.

Hệ thống thơ văn chữ Hán ở kiến trúc điện Thái Hòa được trang trí với 295 ô hộc chạm gỗ và bằng pháp lam ở bên trong và bên ngoài. Đi liền với những ô thơ là những họa tiết tạo nên kiểu thức “nhất thi nhất họa” được trang trí trên các liên ba, đố bản, cổ diềm ở cả nội thất và ngoại thất của công trình.Thơ văn chữ Hán ở điện Thái Hòa thể hiện nhiều chủ đề nội dung khác nhau, nhưng chủ yếu là: ca ngợi vương triều, ca ngợi cảnh thái bình thịnh trị, đất nước độc lập, bờ cõi thống nhất, ca ngợi vẻ đẹp vùng đất Đế đô, vẻ đẹp của hoa cỏ cây cối, các mùa trong năm... Hệ thống thơ văn ở điện Thái Hoà cũng như các cung điện khác của di tích cung đình Huế là một kiểu thức trang trí độc đáo. Vào ngày 19/05/2016, hệ thống thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế đã được UNESCO vinh danh là “Di sản Tư liệu thuộc Chương trình Ký ức thế giới khu vực Châu Á - Thái Bình Dương”.

Điện Thái Hòa và không gian tồn tại của nó là biểu tượng cao nhất về uy quyền của nhà nước quân chủ. Đây là ngôi điện uy nghi, tráng lệ nhất trong hệ thống kiến trúc cung đình còn lại ở Huế

Đang tải...
Đang mở cửa • Đóng cửa 17:00 PM

Chứng nhận: Di sản văn hóa cấp Quốc gia

Nhóm tài nguyên: Di Tích, Lịch Sử, Văn Hoá
Địa chỉ: Hai Mươi Ba Tháng Tám, Phú Hậu, Thành phố Huế, Thừa Thiên Huế

Đánh giá

0
0 đánh giá
Tuyệt vời
0
Rất tốt
0
Tạm được
0
Không thích
0
Tồi tệ
0

Báo chí