"Hỡi cô thắt lưng bao xanh
Có về Quất Động với anh thì về
Quất Động làng anh có nghề
Thêu gà thêu vịt, thêu hoa trên cành"
Từ xa xưa, người thợ thêu trong làng luôn tự hào cho rằng, Quất Động là "cái nôi" của nghệ thuật thêu tay truyền thống, là nơi có những bức tranh thêu làm đẹp cho đời. Và câu ca trên như lời mời, đưa du khách về với làng nghề thêu Quất Động, một làng quê cổ kính, nằm cách trung tâm Hà Nội chừng 27 km về phía Nam.
Có dịp về Quất Động, du khách sẽ được tận mắt nhìn thấy vẻ đẹp cổ kính của làng quê Bắc bộ. Dưới cây đa cổ thụ đầu làng là đền thờ thần làng, bên cạnh là đền thờ ông Lê Công Hành, người được tôn vinh là ông tổ nghề thêu Việt Nam. Những câu chuyện về ông cũng được các nghệ nhân nơi đây kể lại. Sau khi đi sứ phương Bắc, ông Lê Công Hành đã mang nghề thêu về truyền dạy cho dân làng mình, hình thành nên làng nghề thêu nức tiếng chốn kinh kỳ, là niềm tự hào của người dân Quất Động.
Xuyên suốt hơn 600 năm hình thành và phát triển, thêu tay Quất Động đã tạo nên những kỹ thuật thêu riêng biệt mà chỉ có người Quất Động mới nắm bắt được. Bí quyết thêu tỉa màu của dân làng Quất Động vô cùng độc đáo, đường chỉ dài kết hợp với việc thêu theo lớp. Những kỹ thuật thêu đặc sắc này mang lại cho các hình thêu màu sắc sống động, đường nét mềm mại, tôn lên vẻ đẹp của các bộ trang phục, đặc biệt là trang phục cung đình, quan lại. Trong lịch sử phong kiến, trang phục cung đình, quan lại hoặc giới quyền quý đều lựa chọn làng thêu Quất Động là nơi thực hiện việc hoàn thiện các hoa văn. Đây là niềm tự hào của nhiều lớp người dân làng Quất Động, cũng là một nguồn tư liệu khảo cứu quan trọng trong quá trình tìm hiểu lịch sử và tái hiện trang phục trong lịch sử của những nhà nghiên cứu hiện đại.
Bước sang thời kỳ cận đại, làng thêu Quất Động mở ra một bước phát triển tiếp theo đó là Tranh thêu. Những tinh hoa của nghề thêu được áp dụng vào tranh thêu một cách triệt để.Từ đây những tác phẩm thêu nghệ thuật lần lượt được ra đời. Sản phẩm tranh thêu Quất Động vươn xa ra khỏi biên giới Việt Nam, gây tiếng vang tại những thị trường có thị hiếu nghệ thuật cao và khắt khe như Đông Âu, Bắc Mỹ, Nhật Bản. Nhìn những bức tranh thêu đẹp, tinh xảo, cầu kỳ về màu sắc đến từng đường kim, mũi chỉ mà thêm cảm phục những người thợ thêu, những người lưu giữ lịch sử, mang cái đẹp đến cho đời. Và giờ đây Quất Động luôn là một nơi để người ta tìm về với những giá trị của thời gian.
Hiện nay nhiều cơ sở trong nước đã đầu tư, nhập nhiều máy thêu hiện đại, nhưng sản phẩm máy móc làm ra, không thể đạt được độ tinh xảo, mềm mại như cách làm thủ công. Do đó nghề thêu tay truyền thống của làng nghề Quất Động ngày càng phát triển.
Có thể thấy, trong nền kinh tế thị trường hiện nay, một làng nghề thêu tranh tay như Quất Động phát triển được không phải là chuyện dễ dàng. Nhưng những nghệ nhân nơi đây đã biết cách kết hợp nhuần nhuyễn giữa yếu tố truyền thống với hơi thở thời đại, làm hồi sinh một dòng tranh nổi tiếng, một làng nghề tưởng chừng như chỉ còn trong những câu chuyện huyền thoại.
Giờ đây, người thợ thêu Quất Động nào cũng rất tự hào khi tranh thêu Quất Động đã trở thành nét văn hóa, là món quà cao quý mang hồn sắc của quê hương. Mặc dù, đời sống của người thợ thêu vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng họ vẫn đang từng ngày vẽ lên những khúc nhạc thơ tuyệt mỹ, làm sống dậy một nghề truyền thống lâu đời.