Làng Nghề Tiện Gỗ Nhị Khê

Làng nghề Nhị Khê thuộc huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội nổi tiếng với nghề tiện gỗ với lịch sử hàng trăm năm. Hiện nay, Làng còn lưu giữ được: 02 bản hương ước (01 bản lập năm 1921, 01 bản lập năm 1942), 01 bản thần tích và thần sắc chép năm 1938 hiện lưu tại Viện Thông tin Khoa học xã hội, 01 bản thần tích lưu tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm, 04 văn bia ở chùa Nhị Khê gồm : “Chúa Bà Ả tự bi kí” dựng năm Vĩnh Tộ thứ 2 do Nguyễn Tuấn soạn, “Hậu Phật bi kí” dựng năm Vĩnh Thị Thứ 4 (1708), 01 bi kí dựng năm Long Đức thứ nhất (1732), 01 “Hậu Phật bi kí” dựng năm Cảnh Thịnh thứ 7 (1798), 01 văn bia “Hưng công tu tạo đình bi” ở đình Nhị Khê dựng năm Bính Thân niên hiệu Thịnh Đức do Lều Thọ Danh soạn.

Nhị Khê vốn là mảnh đất văn hiến, khoa bảng, quê hương của những bậc danh nhân như Nguyễn Phi Khanh, Nguyễn Trãi, Lương Văn Can, Lương Ngọc Quyến… Nhị Khê còn nổi tiếng với nghề tiện truyền thống, chuyên cung cấp những sản phẩm tiện bằng gỗ vô cùng tinh xảo cho thị trường cả nước. Nghề tiện đã đem lại đời sống ấm no cho nhân dân nơi đây và khiến cho Nhị Khê càng được biết đến nhiều hơn.

Tương truyền vào thời vua Lê chúa Trịnh, có một người thợ tiện tài hoa tên là Đoàn Tài có khả năng tiện được nhiều sản phẩm độc đáo, trong đó có cái điếu 18 lỗ, có thể để 18 trai tráng cùng hút một lúc... Cụ về thôn Khánh Vân, xã Khánh Hà bên kia sông Tô Lịch (cùng thuộc huyện Thường Tín) dạy nghề làm đồ gỗ cho người dân bên đó, nhưng dạy mãi không thành. Cụ chán nản, ra sông ngồi, thấy có đông trẻ tắm, liền hỏi có muốn học nghề không. Dân làng đồng ý, cụ lội sông qua làng Nhị Khê truyền nghề. Khi người Nhị Khê đã học được thành thục, ngày 25/10, cụ bỗng dời đi không trở về. Từ đó, người Nhị Khê lấy ngày này làm ngày giỗ Tổ làng nghề, tôn cụ là Tổ tiên Thánh sư. Làng nghề phát triển, đến thế kỷ XVIII-XIX, người dân Nhị Khê đã mang nghề tiện đi kiếm sống ở nhiều nơi: Nam Định, Thái Nguyên. Ở Hà Nội, họ tập trung mở cửa hàng ở phố Tố Tịch, phường Hàng Gai ngày nay.

Nguyên liệu dùng để tiện gồm hai loại chính là gỗ và sừng. Gỗ có đủ loại từ gỗ mít, gỗ de, lim, gụ, trắc, pơmu. Sừng thì có sừng trâu, bò, hươu, nai... Xưa kia còn tiện cả ngà voi để làm vật phẩm quý cho triều đình và nhà quyền quý.

Đồ tiện ở Nhị Khê có hai chủng hàng chính là đồ thờ cúng và đồ gia dụng. Đồ thờ cúng gồm có ống hương, lọ hoa, mâm bày, giá nến... Đồ gia dụng thì có giỏ đựng ấm tích, bánh gỗ, điếu bát, con quay, quả cầu...

Ngày nay, bằng sự sáng tạo, người thợ Nhị Khê đã sản xuất ra hàng trăm mặt hàng có mẫu mã khác nhau, Sản phẩm của Nhị Khê tinh xảo, chất lượng ngày càng tốt, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong và ngoài nước như: bình, lọ, đĩa, hộp đựng, các linh thú chiếu gỗ, đệm ghế ô tô, mành cửa, lọ hoa, chuỗi hạt… Không những thế, người thợ Nhị Khê còn khéo léo kết hợp nghề mộc cao cấp với sơn mài, điêu khắc, khảm trai để tạo ra những sản phẩm tiện tinh xảo, được khách hàng trong và ngoài nước ưa chuộng, đặc biệt là các mặt hàng trang trí, mỹ nghệ cao cấp.

Trải qua hàng trăm năm, đến nay, làng tiện Nhị Khê vẫn đang phát triển lớn mạnh từng ngày, không khí sản xuất nơi đây luôn nhộn nhịp cho thấy sức sống mãnh liệt của một làng nghề. Bên cạnh việc phát triển sản xuất, làng tiện Nhị Khê còn là điểm du lịch hấp dẫn du khách. Khi đến Nhị Khê, du khách sẽ được tận mắt chứng kiến quá trình tạo ra những sản phẩm từ gỗ và những món quà lưu niệm được bày bán tại các cửa hàng. Ngoài ra, du khách còn được tìm hiểu, tham quan các di tích, di sản văn hóa vật thể và phi vật thể như Đình làng, miếu Trúc, nhà thờ Tổ nghề tiện, nhà thờ Nguyễn Trãi… Việc kết hợp du lịch với phát triển làng nghề vừa là cơ hội quảng bá sản phẩm, vừa để phát triển các loại hình dịch vụ ở địa phương, tăng thêm thu nhập cho người dân.

Đang tải...

Nhóm tài nguyên: Nghề thủ công truyền thống
Địa chỉ: Nhị Khê, Thường Tín, Hà Nội

Đánh giá

0
0 đánh giá
Tuyệt vời
0
Rất tốt
0
Tạm được
0
Không thích
0
Tồi tệ
0

Báo chí