Chùa Cực Lạc

Mang một phong cách rất riêng và độc đáo, với chất liệu xây dựng chủ yếu bằng đá xanh, ngôi chùa Cực Lạc nằm trên đỉnh quả đồi thuộc thôn Yên Lạc, xã Cần Kiệm, huyện Thạch Thất, Hà Nội là một sự ngạc nhiên thú vị cho du khách.

Theo truyền thuyết, đây chính là nơi thờ Phật Địa Mẫu, ngày kỵ là mồng 1 tháng 4 âm lịch. Mẹ đất đã dạy dân nghề làm ruộng, trồng dâu, và chăm lo cứu khổ chúng sinh. Đời sau suy tôn là Địa mẫu Chân Tiên. Chùa Cực Lạc đã có từ hàng trăm năm trước, nhưng do bị chiến tranh tàn phá nên đến những năm 90 của thế kỷ trước, ngôi chùa này hầu như không còn vết tích gì. Chùa cũng chẳng còn tấm bia nào ghi lại lịch sử khởi dựng.

Nét độc đáo của chùa Cực Lạc chính là tất cả các công trình đều được tạo dựng hoàn toàn bằng đá, sỏi. Lên mấy chục bậc đá cao là sân tiền đường. Sân chùa có đôi voi đá, hạc đá chầu hai bên, cả chiếc đỉnh lớn chạm khắc hoa văn đẹp cũng bằng đá.

Chùa được xây trên nền ngôi chùa cũ. Theo kiểu chữ “Công”, có kết cấu tường, cột hoàn toàn bằng đá xanh Ninh Bình. Các chi tiết kiến trúc khác cũng chế tác chủ yếu từ đá như bậc thềm đá, cột trụ đá, đèn đá, lan can đá tạc hình rồng cuốn thủy…Sau chùa có ngọn tháp cao 5 tầng và một nhà bia hình bát giác tượng trưng cho bát quái trấn giữ nơi địa linh.

Việc bố trí các ban thờ trong chùa theo tín ngưỡng dân gian người Việt là “tiền Thần - hậu Phật”, nên ngay trước cổng chùa là tượng của 8 vị thần bằng đá xanh rất đồ sộ, cao trên 2m, cầm binh khí, lệnh bài. Điều đặc biệt là hoa văn cách điệu trên tượng thần đều được trang trí bằng đá dăm và sỏi đa sắc, trông rất lạ mắt.

Gian giữa nhà tiền đường có tòa cửu long bằng đá. Ở vị trí chính điện đặt tượng một vị thần đầu đội mũ bình thiên, ngồi trên long ngai (trang phục hoàng đế). Các vị thần trong tín ngưỡng người Việt thường là nhân thần, có công với dân với nước.
Tòa hậu điện thờ Phật, gian giữa có tượng phật A Di Đà khá lớn, hiện thân của cõi cực lạc và bộ tượng Tam Thế ngồi tòa sen, trên bệ cao tượng trưng cho quá khứ, hiện tại và tương lai. Toàn bộ tượng và đồ thờ đều bằng đá khối.

Trong khuôn viên chùa còn có khu riêng thờ Thần Nông, khu vườn tháp… và vườn đá với nhiều chim thú được ghép từ đá tự nhiên rất sinh động. Các công trình điêu khắc đá này do các thợ đá lành nghề thực hiện. Ngày nay, chùa Cực Lạc cùng với chùa Tây Phương là một trong những điểm đến tâm linh thu hút đông đảo phật tử và du khách thập phương đến tham quan chiêm bái.

Đang tải...
Đã đóng cửa vào 17:30 PM

Chứng nhận: Di sản văn hóa cấp Tỉnh/Thành phố

Nhóm tài nguyên: Di Tích, Lịch Sử, Văn Hoá
Địa chỉ: Thôn Yên Lạc, xã Cần Kiệm, Thạch Thất, Hà Nội

Đánh giá

0
0 đánh giá
Tuyệt vời
0
Rất tốt
0
Tạm được
0
Không thích
0
Tồi tệ
0

Báo chí