Đền thờ Thiền sư Nguyễn Minh Không, Quốc sư thời Lý, sinh ra trên đất này. Ông tên thật là Nguyễn Chí Thành, hiệu là Minh Không, được vua Lý Thần Tông phong làm quốc sư, là một vị cao tăng đứng đầu tổ chức phật giáo của triều đại nhà Lý trong lịch sử, được xem là vị thiền sư sáng lập nên nhiều ngôi chùa cổ và được tôn vinh là ông tổ nghề đúc đồng Việt Nam. Vì có nhiều công lớn chữa bệnh cho vua và nhân dân mà ông được người Việt tôn sùng là Đức Thánh Nguyễn. Một số ghi chép xưa xếp ông là một vị thánh trong tứ bất tử. Trong truyền thuyết dân gian, Nguyễn Minh Không là một nhân vật huyền thoại, xuất hiện với nhiều tình tiết kỳ bí như khi tu thiền đắc đạo có thể đi mây về gió, niệm chú cho chim lạ rơi xuống đất, ngả nón làm thuyền vượt sông cả, cho cả kho đồng nước Tống vào túi đem về đúc tứ đại khí, thò tay vào vạc dầu đang sôi vớt hàng trăm chiếc kim chữa bệnh cho vua Lý Thần Tông… Hiện nay ở vùng đất Ninh Bình nói riêng và châu thổ sông Hồng nói chung có rất nhiều đền thờ ông, nhiều địa danh ở Ninh Bình gắn với sự tích về ông như Kẽm Đó, Kênh Gà, Sinh Dược… Đền còn thờ Thái sư Tô Hiến Thành, một đại thần, có công bình Chiêm, phò ấu chúa là Lý Cao Tôn (1175-1210). Sở dĩ nơi đây thờ ông là do bố đẻ ông là Tô Trung Công làm quan lệnh doãn phủ Trường Yên đã cùng vợ về đây cầu tự và sau sinh ra ông.
Đền được xây dựng trên nền ngôi chùa cổ có tên là Viên Quang Tự do Nguyễn Minh Không lập vào năm 1121. Về sau, người dân địa phương cho là nền nhà cũ của Đức Thánh Nguyễn nên đã dời chùa sang phía tây, mà dành riêng nơi nhà cũ để thờ ông.
Đền quay hướng nam, nằm song song với đường Tiến Yết, hướng về cố đô Hoa Lư nên được xem như là một di tích thuộc “Hoa Lư tứ trấn”. Đền Thánh Nguyễn nằm trên địa bàn “Tượng sơn trung dục, ngưng thuỷ trường thanh” (tận cùng của núi voi, trước mặt có giang hồi cửu khúc). Phía nam và tây nam có dãy núi đá uốn lượn tục gọi núi rồng và núi rắn, nhiều núi hình thù tựa con lợn, rùa, cổ giai, phượng… Ngọn núi Bái Đính đứng chơ vơ đón gió thật đúng với bài thơ “Cảm hoài”: “Trạch đắc long xà địa khả cư…”
Tổng thể công trình kiến trúc rất quy mô, được xây dựng theo kiểu “nội công ngoại quốc”. Đền gồm 4 toà làm theo kiểu tiền nhất, hậu công. Đầu tiên là Vọng Lâu – tòa nhà 3 gian, nơi tương truyền là nhà cũ của Thánh Nguyễn, với cây đèn đá dựng bên đầu hồi cao hơn một mét. Đây là biểu tượng cây đèn của Nguyễn Minh Không ngày xưa thắp sáng để ngồi thiền tịnh, ánh sáng chiếu rọi đến tầng mây trên không, vì thế nên nhân dân quanh vùng tôn hiệu ông là Thiền sư Minh Không. Đền chính xây dựng kiểu chữ công, gồm 3 tòa tiền bái, ống muống và chính tẩm, là công trình rất giá trị về cả hai mặt kiến trúc và điêu khắc. Theo văn bia còn lại ở dền thì công trình này được trùng tu lớn vào thế kỷ XVII, đến năm Bảo Đại thứ 3 (1928) tu sửa tiếp, nhưng nhìn chung đường nét kiến trúc nghệ thuật chạm khắc vẫn được bảo tồn như cũ, chỉ thay đổi chút ít.
Đền Đức Thánh Nguyễn còn giữ được nhiều hiện vật cổ có giá trị cây đèn đá, cột kinh, các văn bia đá cổ thời Lê và Nguyễn, sóc đá, gạch trang trí hoa văn thời Lê, hai chân tảng bằng đá thời Lý – Trần, các nhang án, khám thờ thời Lê, 50 bằng sắc thời Lê và Nguyễn… Đây là những tài sản văn hóa vô giá, góp phần nghiên cứu lịch sử, văn hóa, nghệ thuật truyền thống của dân tộc. Đền Đức Thánh Nguyễn còn giữ được nhiều hiện vật cổ có giá trị cây đèn đá, cột kinh, các văn bia đá cổ thời Lê và Nguyễn, sóc đá, gạch trang trí hoa văn thời Lê, hai chân tảng bằng đá thời Lý – Trần, các nhang án, khám thờ thời Lê, 50 bằng sắc thời Lê và Nguyễn…
Đây là những tài sản văn hóa vô giá, góp phần nghiên cứu lịch sử, văn hóa, nghệ thuật truyền thống của dân tộc.