Làng lụa Vạn Phúc mệnh danh là "cái nôi" của nghề dệt lụa truyền thống nghìn năm lịch sử. Là một trong hơn 1.000 làng nghề truyền thống đã và đang tồn tại ở Việt Nam, song ít có làng nào có truyền thống văn hoá lịch sử đẹp như làng lụa Vạn Phúc.
Làng lụa Vạn Phúc xưa kia có tên Vạn Bảo, do kị húy nhà Nguyễn nên đã đổi thành Vạn Phúc.
Chuyện kể rằng trong một lần di kinh lý trên sông, khi đậu thuyền sát bên dòng sông Nhuệ, Cao Biền phải thốt lên: “Đất Vạn Bảo (tức Vạn Phúc) núi sông uốn khúc, long hổ ôm quanh, hai bên hai giếng nước nuôi dưỡng tụ khí rồng xanh. Đây thật là cảnh thanh nhàn”. Bà Lã Thị Nga – vợ của Cao Biền – thấy vùng đất này thơ mộng đã về ngụ tại đây, bà dạy dân cách làm ăn. Vì nhớ ơn công đức của bà, dân Vạn Bảo đã tôn bà làm Thành hoàng làng và lập miếu thờ. Tuy nhiên, một số tài liệu và hiện vật cổ còn giữ lại cho thấy, nghề dệt ở Vạn Phúc ra đời cách đây khoảng 1.000 năm, vào khoảng thế kỷ XIII. Vì thế, bà Lã Thị Nga chưa hẳn là vị tổ nghề như nhiều người từng nói, nhưng bà chính là người có công khuyến khích nhân dân duy trì và phát triển làng nghề, đưa nghề dệt trở thành nghề truyền thống ở Vạn Phúc.
Trong lịch sử lụa Vạn Phúc từng được chọn may quốc phục dưới các đời vua nhà Nguyễn, từ vua Khải Định đến vua Bảo Đại đều sai sứ thần ra tận Vạn Phúc mua sa, gấm đem về dùng và được nhắc đến trong thơ ca xưa:
“The La, lĩnh Bởi, chồi Phùng
Lụa vân Vạn Phúc, nhiễu vùng Mỗ Bôn.”
Làng lụa Hà Đông nằm tại phường Vạn Phúc, quận Hà Đông, cách trung tâm Hà Nội hơn 10 km. Mặc dù tại đây, quá trình đô thị hóa đang diễn ra nhanh chóng, nhưng làng lụa Vạn Phúc vẫn ít nhiều giữ được vẻ đẹp cổ kính.
Năm 1931 lần đầu tiên lụa Vạn Phúc được giới thiệu ra thị trường quốc tế ở hội chợ Marseille và được người Pháp đánh giá là loại sản phẩm tinh xảo nhất của vùng Đông Dương. Đến năm 1958, lụa Vạn Phúc xuất sang các nước Đông Âu và đến nay được ưu chuộng tại nhiều nước trên thế giới.
Làng lụa Vạn Phúc hiện nay thu hút rất nhiều khách du lịch ghé thăm và chụp ảnh.
Tại làng lụa Vạn Phúc có ba tuyến phố đi bộ gồm: phố lụa, phố ẩm thực, phố sinh vật cảnh - đồ cổ để du khách tham quan và mua sắm.
Ngay khi đi qua cổng làng, du khách sẽ được ngắm nhìn con đường đi bộ được trang trí bởi những chiếc ô nhiều màu sắc rực rỡ. Dọc hai bên đường đi bộ là các quán hàng san sát nhau, trưng bày và bán các sản phẩm như khăn quàng, áo dài, túi, quần áo… với đa dạng mẫu mã cho du khách lựa chọn. Nếu du khách muốn mặc bộ áo dài – một trang phục truyền thống của người phụ nữ Việt Nam để chụp ảnh thì tại đây các cửa hàng cũng có dịch vụ cho thuê áo dài.
Tại làng lụa Vạn Phúc du khách có thể ghé thăm các điểm tham quan như: Chùa Vạn Phúc, đền thờ tổ nghề, miếu Vạn Phúc, trung tâm bảo tồn lụa Vạn Phúc, trung tâm sinh vật cảnh, phố đồ cổ - đồ xưa, nhà lưu niệm chủ tịch Hồ Chí Minh hay con đường bích họa đầy màu sắc phía trước sân đình làng.