Đình - Chùa Vân Tra

Đình – Chùa Vân Tra nằm ở vùng ven đô phía Tây, thành phố, thuộc địa phận xã An Đồng, huyện An Dương. Đây là một trong số rất ít những di tích lịch sử liên quan đến vương triều Hậu Lý trên địa bàn Hải Phòng ngày nay.

Đình Chùa Vân Tra chỉ cách nhau khoảng 600m, cùng nằm trên mảnh đất cao ráo, dài hơn 1000m, thế đất hình con xà và xung quanh là cảnh làng xóm trù phú, cánh đồng lúa bao bọc (đình quay hướng Đông, đuôi con xà ngoảnh hướng Tây là vị trí của ngôi chùa).

Đình Vân Tra là nơi nhân dân địa phương tôn thờ Đào Lôi, hiệu là Lôi Công – một công thần dưới triều vua Lý Thái Tông (1028 1054). Bản gia phả họ Đỗ ở làng Vân Tra cho biết, Đào Lôi là con Đào Cam Mộc, mẹ người họ Đỗ, tên Uyển, người làng Vân Tra. Hai cha con ông đều có công phò nhà Lý, giữ chức quan to trong triều.

Đình Vân Tra kết cấu kiểu chữ tam, ngoài giá trị thờ cúng, bản thân kiến trúc còn phản ánh một nhận thức về vũ trụ của người xưa qua các yếu tố cơ bản: thiên, địa, nhân (trời, đất và con người). Phía trước đình có hồ nước lớn, trong xanh, tạo môi trường cảnh quan tươi tốt.

Kiến trúc chính của đình gồm 3 tòa nhà, nhưng số gian ở mỗi toà kiến trúc có khác nhau. Các tòa nhà có bộ mái kề sát nhau, tạo chiều sâu cho nội thất kiến trúc, thành thể liên hoàn thuận lợi cho việc thờ cúng, bài trí đồ vật thêm rộng rãi.

Ngoài giá trị lịch sử mà bản thân di tích hàm chứa, đình Vân Tra đã bảo lưu được nhiều cổ vật có giá trị như: Sắc phong của nhiều triều đại phong kiến Việt Nam từ thời Lê Trung Hưng, thời Tây Sơn, đến thời Nguyễn; cỗ kiệu bát cống mang hình tượng khối rồng điệu; bát hương đại bằng đá, bằng đồng; bức đại tự treo dưới xà hạ của hai tòa kiến trúc: tiền đường và cung bên trong, nổi bật lên những điểm trang trí xung quanh khung chữ nhật của bức đại tự với các biểu tượng rồng, mây, hoa lá quý, chạm nổi và khắc chìm.

Đình Vân Tra là một trong số rất ít những công trình kiến trúc cổ ở Hải Phòng chứng minh cho truyền thống anh dũng chống ngoại xâm trong kỷ nguyên văn hoá Lý – Trần ở nước ta nói chung và mảnh đất Hải Phòng ngày nay nói riêng.

Cùng như nhiều làng quê khác không thể thiếu vắng mái chùa Phật, chùa làng Vân Tra có tên chữ là Nhuệ Quang Tự, gắn bó lâu đời với lịch sử làng xã Vân Tra. Triều Hậu Lý, bà Đỗ Thị Uyển thân sinh ra Thái uý Thành quốc công Đào Văn Lôi qui tại chùa làng, xây dựng theo kiểu kiến trúc hoàn chỉnh trong khuôn viên rộng 14 sào bắc bộ.

Hiện tại, chùa còn lưu giữ được một số cổ vật có giá trị như cây trúc đài đá niên hiệu Lê Vĩnh Thịnh (1709); bộ tượng tứ pháp 4 pho; 2 pho tượng quan âm trong tư thế đứng thuyết pháp trên đài sen (thuộc dòng tượng Đồng Minh, Vĩnh Bảo); quả chuông đồng cao 102cm; mộ tháp gạch cổ niên đại thời Hậu Lê…

Ngoài kiến trúc hậu cung chứa toà Phật điện còn tương đối nguyên vẹn, phần lớn các kiến trúc bổ trợ khác như gác chuông tam quan, nhà tăng của ngôi chùa đã và đang được nhân dân và chính quyền địa phương tu tạo.

Đình Chùa Vân Tra gắn liền với tâm tư tình cảm của người dân địa phương trong quá trình lịch sử đất nước chống ngoại xâm và xây dựng Hoà Bình. Cụm di tích lịch sử – văn hóa đình chùa Vân Tra đã được Bộ Văn hoá thông tin cấp bằng công nhận di tích lịch sử cấp Quốc gia ngày 25-1-1994.

Có dịp đến Hải Phòng, bạn không nên bỏ qua một chuyến tham quan, vãn cảnh Đình – Chùa Vân Tra, để có thể tìm đến chốn thanh tịnh, xua tan đi mọi mệt mỏi, lo toan của cuộc sống và khám phá những nét đẹp về văn hóa, truyền thống nơi đây.

Đang tải...
Đã đóng cửa vào 20:00 PM

Chứng nhận: Di sản văn hóa cấp Quốc gia

Nhóm tài nguyên: Di Tích, Lịch Sử, Văn Hoá
Địa chỉ: Xã An Đồng, An Dương, Hải Phòng

Đánh giá

0
0 đánh giá
Tuyệt vời
0
Rất tốt
0
Tạm được
0
Không thích
0
Tồi tệ
0

Báo chí