Đình Khinh Dao nằm ngay trên cánh đồng làng Khinh Dao, trên mảnh đất vuông vắn, phía trước có ao sen tạo không gian thoáng đãng, cảm giác thư thái cho du khách khi đến thăm, chiêm ngưỡng. Vào mùa hè, sen hồng nở rộ, tỏa hương thơm ngào ngạt khuôn viên đình. Đặc biệt, di tích bảo tồn được nhiều nét kiến trúc thời hậu Lê thế kỷ 18.
Qua khoảng sân rộng là đến trước cửa đình. Đình Khinh Dao xây dựng theo kiểu chữ đinh truyền thống gồm 5 gian tiền đường, 3 gian hậu cung, mái lợp ngói mũ hài, đầu mái đắp hình đao cong kiểu rồng chầu phượng mớm, bờ nóc mái đắp hình đao cong kiểu rồng chầu mặt nhật. Đây thực sự là công trình kiến trúc đồ sộ, bởi quy mô của lớp lớp cột cái, cột quân, kèo, xà thượng, xà hạ…trải khắp 5 gian bái đường.
Các vị thành hoàng được làng tôn thờ là Phạm Đình Trọng, cùng 6 vị thần thời Hùng Vương. Trong đó, thành hoàng Phạm Đình Trọng lúc sinh thời có nhiều công với dân làng như dựng đình, làm văn từ, văn chỉ…
Trước Cách mạng Tháng 8, lễ hội đình làng được tổ chức một năm 2 lần vào tháng 3 và tháng 11 âm lịch. Trong đó, tháng 3 là lễ hội chính, được thực hiện đầy đủ các nghi thức. Một trong những nghi trọng tâm của lễ hội đình là rước bài vị thành hoàng làng từ các miếu tập trung về làng, sau đó tổ chức tế. Bên cạnh phần tế lễ, trong lễ hội còn có rước lợn ông Bồ.
Theo quy định của làng, người nào nhận ruộng lộc điền thì năm đó phải nuôi lợn ông bồ, góp rượu, hoa quả cho lễ hội. Hiện tại, bậc thềm gian trung tâm của đình vẫn còn dấu tích của loại thước để đo kích thước lợn. Vào những năm được mùa, phần hội còn có nhiều trò chơi dân gian được tổ chức như hát xướng, vật, cờ, chọi gà. Ngày nay, lễ hội đình làng vẫn được duy trì với đầy đủ nghi thức tế lễ và trò chơi dân gian. Tuy nhiên, nghi thức rước lợn ông Bồ chưa được khôi phục.