Đà Nẵng hiện tai chỉ còn 2 làng nghề làm bánh khô mè, trong đó có Cẩm Bắc - Hòa Thọ ở Cẩm Lệ. Nghề này đã có từ những năm 50 của thế kỉ XX.
Từ năm 1998 đến nay, nghề làm bánh khô mè ở Cẩm Lệ đã được chính quyền địa phương và các ngành quan tâm, hỗ trợ xây dựng để phát triển làng nghề truyền thống. Từ một sản phẩm làng quê, bánh khô mè đã có tên tuổi trên thị trường, được đăng ký quyền sở hữu. Xưa, bánh chỉ được làm vào mỗi dịp Tết. Nay, những bếp than rực hồng quanh năm.
Bánh khô mè Cẩm Lệ ngày nay đã có mặt ở nhiều vùng trên cả nước và theo tay Việt kiều làm món quà quê sang xứ người. Một đặc điểm khá đặc biệt nữa của bánh khô mè Cẩm Lệ là bánh chỉ giữ được hương vị nguyên sơ khi làm bằng thủ công.
Chiếc bánh có hình vuông hay chữ nhật, được bao phủ bởi lớp mè thơm phức, qua 7 lần nướng mới tạo nên vị thanh bùi và ngon ngọt… Vì thế, món bánh khô mè ấy còn được gọi bằng cái tên dân dã - bánh 7 lửa.
Có thể nói, sự góp mặt của bánh khô mè đã trở thành một thương hiệu cho văn hóa ẩm thực của người dân đất Quảng Nam - Đà Nẵng. Nét độc đáo của món bánh này là ở chỗ nó có thể làm từ rất nhiều loại bột trong ngũ cốc mà không chịu sự bó buộc khắt khe. Để có thể thưởng thức món bánh khô mè đúng “chuẩn” thì du khách không thể bỏ qua những ngụm trà nóng thơm ngon. Cắn một miếng, thực khách sẽ cảm nhận được độ giòn tan thấm dần nơi đầu lưỡi, chất ngon ngọt và thơm bùi hòa cùng hương trà sẽ lưu lại mãi không quên…