Bảo tàng Sa Pa nằm ngay tại trung tâm thị xã Sa Pa, trong khuôn viên Trung tâm Thông tin và Xúc tiến du lịch Lào Cai, tọa lạc tại số 2 Fansipan rất dễ dàng cho việc tìm kiếm và di chuyển.
Đây là nơi trưng bày và lưu giữ tài liệu, hiện vật về lịch sử, văn hóa của vùng đất Sa Pa và một số dân tộc anh em trên địa bàn tỉnh Lào Cai.
Bảo tàng Sapa chính thức đi vào hoạt động theo mô hình du lịch từ năm 2007.
Bảo tàng được thiết kế mô phỏng theo kiến trúc nhà sàn của người Tày ở Sa Pa, gồm hai tầng. Tầng trệt là khu vực mở là nơi trưng bày theo chuyên đề, các mặt hàng lưu niệm bằng thổ cẩm. Nếu quý khách muốn có một vài món đồ thổ cẩm để làm kỉ niệm thì khi kết thúc buổi tham quan quý khách có thể trở lại đây tìm hiểu thêm. Tầng 2 bảo tàng là khu vực trưng bày chính về lịch sử của vùng đất Sa Pa và văn hóa của các dân tộc thiểu số.
Lần đầu bước chân vào bảo tàng, du khách sẽ cảm thấy ngỡ ngàng trước hơn 200 mẫu hiện vật, tư liệu, tranh ảnh,… về lịch sử hình thành và phát triển của Sa Pa, văn hóa các dân tộc thiểu số ở Sa Pa qua các thời kì lịch sử. Du khách đến đây sẽ có cảm giác như lạc vào một không gian cổ với nhiều hiện vật cổ.
Ở một góc của bảo tàng Sapa, du khách lại có thể thấy khung cảnh một đám cưới của người Dao đỏ. Với đa số người Kinh chúng ta hiện nay, khi làm lễ cưới, chú rể thường mặc vest, cô dâu mặc váy cưới. Còn tại bảo tàng, du khách mới có thể thấy trang phục dân tộc đặc biệt của người Dao đỏ. Cả cô dâu chú rể cùng quấn khăn đỏ, cô dâu mặc áo hoa. Khác với đám cưới của người Kinh, lễ cưới của người dao đỏ trông rất đơn sơ, giản dị và mộc mạc.
Lại ở một góc khác, du khách có thể chiêm ngưỡng những vật dụng hàng ngày trong cuộc sống sinh hoạt của người dân tộc bản địa ở nơi này, như những chiếc giỏ, những vật dụng để đựng đồ, những mô hình nhà sàn với những bức vách làm từ đất và ngói lợp từ rơm rạ. Gần đó là gian bàn thờ, gian chứa đồ của một gia đình người dân tộc, với những chiếc cồng, chiếc chiêng treo thành một dãy trên thanh xà nhà. Bảo tàng cũng có khu trưng bày và bán các sản phẩm thủ công mỹ nghệ. Du khách có thể tìm mua mang về những món đồ nhỏ xinh hay một chiếc áo để kỷ niệm chuyến du lịch đáng nhớ tại mảnh đất này.
Ngoài ra, du khách có thể tận mắt xem cách người phụ nữ dân tộc dệt vải. Màu sắc rực rỡ của những tấm thảm, tấm khăn do bàn tay tài hoa của người dân tộc mảnh đất này làm nên được trưng bày và treo trên khắp các quầy hàng. Tất cả mang lại cho du khách cảm giác như một ngày hội, như một phiên chợ Tết của người dân tộc Sapa với vô vàn những sắc màu rực rỡ.
Hiện nay, bảo tàng văn hóa Sa Pa đang hướng tới mô hình bảo tàng sống, tức là du khách tới đây không chỉ để tham quan, tìm hiểu mà còn được trải nghiệm những đặc sắc văn hóa thông qua các hoạt động ngoại khóa hấp dẫn.
Đến bảo tàng Sa Pa - Sapa Museum sẽ là dịp may hiếm có để những du khách đam mê tìm hiểu nền văn hóa các dân tộc thiểu số Sa Pa hiểu thêm về Sa Pa, về các dân tộc thiểu số sinh sống lâu đời trên mảnh đất này.