Vườn quốc gia Hoàng Liên là một vườn quốc gia Việt Nam được thành lập năm 2002, nằm ở độ cao từ 1.000-3000m so với mặt biển trên dãy Hoàng Liên Sơn thuộc địa bàn các huyện Than Uyên, Phong Thổ tỉnh Lai Châu và Sa Pa của tỉnh Lào Cai.
Vườn quốc gia Hoàng Liên được chọn là một Trung tâm đa dạng của các loài thực vật trong Chương trình bảo tồn các loài thực vật của Hiệp hội Bảo vệ Thiên nhiên Thế giới (IUCN). Vườn cũng được Quỹ môi trường toàn cầu được xếp vào loại A, cao cấp nhất về giá trị đa dạng sinh học của Việt Nam.
Năm 2006, Vườn quốc gia Hoàng Liên được công nhận là Vườn di sản ASEAN.
Đến với Vườn quốc gia Hoàng Liên, bạn sẽ còn có cơ hội tân hưởng cái đẹp của mảng xanh thiên nhiên hùng vĩ giữa bầu không khí bốn mùa thay đổi liên tục một cách linh hoạt chỉ trong vài giờ đồng hồ. Vào lúc sáng sớm tinh mơ, bạn sẽ được thưởng thức bầu không khí trong lành của nơi này với những màn sương mù trắng xóa đầy mờ ảo ôm lấy từng gốc cây của vườn. Còn nếu bạn đến vào buổi trưa, không khí trông có vẻ sẽ ấm áp hơn vì nắng đã bắt đầu xuất hiện và xuyên qua từng tán cây rừng vô cùng lơ đãng.
Điều nổi bật nhất và dễ thấy nhất tại Vườn quốc gia Hoàng Liên đó chính là hệ thực vật vô cùng phong phú. Theo như thống kê tính đến thời điểm hiện tại thì Vườn quốc gia Hoàng Liên có hẳn 2.024 loài thuộc 20 họ đa dạng. Trong số đó có hẳn 66 loài trong sách đỏ, 32 loài cây quý hiếm và 11 loài đang nằm trong danh sách có nguy cơ tuyệt chủng như bích xanh, thiết sam, thông tre, thông đỏ, dinh tùng, dẻ tùng,...
Hệ động vật rừng ở Vườn quốc gia Hoàng Liên cũng rất đa dạng với 66 loài thú, phổ biến là: vượn đen tuyền, hồng hoàng, cheo cheo, voọc bạc má..., trong đó có 16 loài nằm trong sách đỏ Việt Nam; 347 loài chim như đại bàng đốm to, trĩ mào đỏ, chim hét mỏ vàng...; 41 loài lưỡng cư và 61 loài bò sát, trong đó, có loài ếch gai rất hiếm ở Việt nam vừa mới được phát hiện.
Với hệ sinh thái rừng phong phú như vậy, Vườn Quốc gia Hoàng Liên được đánh giá là một trong những trung tâm đa dạng sinh học bậc nhất nước ta. Đặc biệt, nơi đây còn bảo tồn, lưu giữ nhiều nét đẹp văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc sống trong vùng lõi và vùng đệm của Vườn Quốc gia; đó là các hoạt động ca múa nhạc của người Mông, Dao, Giáy với những nhạc cụ như: khèn, sáo, kèn, đàn mô; các kiến trúc nhà ở của người dân tộc như: Người Mông ở trên cao, nền nhà thường thấp hơn và kín gió, nguyên liệu làm nhà chủ yếu bằng gỗ, nhà của người Tày ở vùng thấp nên thường là kiến trúc nhà sàn, mái lợp bằng cỏ tranh hay rơm rạ, ngày nay đã được thay bằng ngói.