Cây thị cổ thụ Đồng Tràm

Ở thôn Đồng Tràm Bắc, xã Hương An (Quế Sơn) hiện nay có hai cây thị cổ thụ đứng cạnh nhau được người dân rất quý trọng và bảo vệ. Họ xem hai cây thị như là nhân chứng sống của làng, bởi nó đã gắn liền với bao thăng trầm của đất và người nơi đây...

Theo ông Phạm Phú Phường (năm nay đã ngoài 75 tuổi) - người dân địa phương, nguồn gốc của hai cây thị cổ thụ này có ghi trong gia phả tộc Phạm ở làng Đồng Tràm. Đó là vào khoảng năm Hồng Đức thứ 2 - 1471, vua Lê Thánh Tông quyết định thân chinh bình Chiêm, sau khi giành thắng lợi, nhà vua cho quy dân lập làng, định canh, định cư, khai khẩn đất đai. Lúc bấy giờ, phủ Thăng Hoa (thuộc đạo thừa tuyên Quảng Nam) được thành lập và cây thị cũng xuất hiện từ thời đó. Nghĩa là cho đến nay, hai cây thị đã gần 600 năm tuổi và là dấu tích duy nhất của thời mở đất còn sót lại ở vùng này.

Người dân Đồng Tràm xem hai cây thị như báu vật sống của làng, bởi nó đã gắn chặt với vùng đất nơi đây, trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, nhất là trong hai cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc. Ông Vũ Đình Đàn (91 tuổi) là cán bộ lão thành cách mạng kể rằng, trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, tại gốc hai cây thị là nơi diễn ra các cuộc họp chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân. Ngày 17 tháng 8 năm 1945, các ông Phạm Diệm, Đinh Phùng, Phạm Mật đã tập hợp nhân dân và lực lượng tự vệ của làng Đồng Tràm, Hương Yên mang theo gậy gộc, giáo mác kéo về huyện lỵ Quế Sơn cướp chính quyền. Sau đó, cán bộ địa phương tổ chức họp dưới gốc hai cây thị để thành lập chi bộ Xóm Ngoài vào tháng 10 năm 1945. Năm 1953, thực dân Pháp thả bom đánh phá ác liệt khu vực Đồng Tràm khiến làng mạc, nhà cửa bị tàn phá nặng nề, ngay cả chùa Bà Vú ở đây cũng bị phá hủy hoàn toàn, thế nhưng hai cây thị cổ thụ vẫn đứng hiên ngang, bất chấp mưa bom, bão đạn của quân thù.

Trong thời kỳ chống Mỹ, cứu nước, hai cây thị lại trở thành một “công sự lộ thiên” giúp cho cán bộ, du kích ta quan sát, dò la tình hình của địch. Ông Vũ Đình Đàn cho biết, khi bị địch tấn công bất ngờ, một số cán bộ, du kích đã leo lên cành cây và chui vào gốc cây thị để trú ẩn. Nhờ đó mà nhiều cán bộ cách mạng như Đinh Hữu, Đinh Văn Thạnh... đã vượt qua hiểm nguy. Đỉnh điểm là tháng 8 năm 1969, sau trận rải thảm bằng máy bay B52, du kích ẩn nấp ở khu vực hai cây thị, bắn rơi một máy bay lên thẳng trong một trận càn. Đầu những năm 70, địch dồn dân vào các ấp chiến lược, lập vành đai trắng và đóng đồn tại hai cây thị để kiểm soát tình hình. Trải qua hai cuộc chiến tranh ác liệt, hai cây thị bị không ít ảnh hưởng, nhưng vẫn xanh tươi. Có một điều kỳ lạ mà ông Vũ Đình Đàn cũng không thể lý giải được, đó là khi biết hai cây thị là nơi cán bộ, du kích quan sát địch tình, nghe ngóng tin tức, kẻ thù quyết tâm triệt hạ nhưng thất bại. “Năm 1970, bọn chúng dùng xe tăng, xe máy ủi cố húc vào gốc thị cho ngã đổ nhưng hai cây thị vẫn trơ trơ không hề lay chuyển” - ông Đàn cho biết.

Sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, khu vực hai cây thị được chọn làm trụ sở hợp tác xã nông nghiệp, rồi xây dựng trường học. Để bảo vệ hai cây thị cổ thụ này, người dân đã đóng góp tiền của, công sức xây gạch bao quanh và đổ đất vào gốc thị. Hiện nay, hai cây thị vẫn căng đầy sức sống mãnh liệt, thân cây có đường kính khoảng 3m, cành lá tỏa ra sum sê che phủ hơn 400m2. Thị ra trái vào mùa hè, khi chín mùi thơm thanh thoát, nhẹ nhàng lan tỏa khắp nơi nên bọn trẻ trong làng thường rủ nhau lui tới hái thị. Mỗi khi những người con xa xứ trở về làng Đồng Tràm, nhiều người lại ghé vào hai cây thị như tìm về ký ức hào hùng và những kỷ niệm buồn vui gắn với một thời thơ trẻ của họ.

Ông Đinh Văn Châu - Bí thư Đảng ủy xã Hương An cho hay, với ý nghĩa và lịch sử của 2 cây thị Đồng Tràm, thời gian qua, Đảng ủy, chính quyền xã đã tuyên truyền vận động nhân dân giữ vệ sinh môi trường xung quanh. Hàng năm, cứ đến ngày Thương binh liệt sĩ 27 tháng 7, Đảng ủy và chính quyền địa phương chỉ đạo tổ chức đoàn tập hợp thanh niên đến gốc hai cây thị để tuyên truyền về lịch sử của quê hương gắn với cây thị Đồng Tràm. Đồng thời xã Hương An cũng đã hoàn thành việc lập hồ sơ đề nghị cấp trên công nhận di tích lịch sử đối với hai cây thị cổ thụ này. “Trên địa bàn xã Hương An có 3 di tích đã được công nhận di tích lịch sử cấp tỉnh đó là Miếu Đồng Dày; Nhà thờ tộc Đinh; Nhà ông Đinh Xuân Thưởng - bà Nguyễn Thị Trợ. Hiện nay, xã Hương An tiếp tục lập hồ sơ đề nghị cấp trên công nhận di tích lịch sử đối với Cầu danh dự rừng nhãn; di tích cắm cờ trong lòng địch ngã ba Hương An và di tích cây thị Đồng Tràm” - ông Châu nói.

Hai cây thị cổ thụ trên 600 năm tuổi là chứng nhân lịch sử hào hùng của thôn Đồng Tràm Bắc trong các cuộc kháng chiến ác liệt. Du khách trên đường du lịch huyện Quế Sơn nên ít nhất một lần ghé thăm di tích lịch sử đặc biệt này để nhớ về một thời oanh liệt giữ nước của ông cha ta.

Đang tải...
Đang mở cửa • Mở cửa 24h

Chứng nhận: Di sản văn hóa cấp Tỉnh/Thành phố

Nhóm tài nguyên: Di Tích, Lịch Sử, Văn Hoá
Địa chỉ: Thôn Đồng Tràm Bắc, xã Hương An, Quế Sơn, Quảng Nam

Đánh giá

0
0 đánh giá
Tuyệt vời
0
Rất tốt
0
Tạm được
0
Không thích
0
Tồi tệ
0

Báo chí