Đối với người dân miền biển Hải Phòng, lễ hội đua thuyền truyền thống không chỉ là nét đẹp truyền thống lâu đời mà còn là dịp để những người con xa quê trở về nhà. Một trong số đó là lễ hội đua thuyền truyền thống tại đảo Cát Hải.
Hàng năm, cứ đúng vào ngày 20 và 21 tháng Giêng, huyện đảo Cát Hải (thành phố Hải Phòng) lại tổ chức Lễ hội đua thuyền truyền thống. Lễ hội được tổ chức thu hút nhiều người dân và cả du khách thập phương đến tham dự.
Lễ hội Cầu mùa 21 tháng Giêng, lễ hội đua thuyền truyền thống hay còn được người dân đảo Cát Hải gọi với cái tên dân dã - “chèo bơi” là một trong những lễ hội đã có từ rất lâu đời, với mong muốn cầu Nam Hải đại Vương, vị thần cai quản vùng biển, phù hộ cho người dân trên đảo một năm tới mưa thuận gió hòa, tôm cá bội thu.
Lễ hội có nguồn gốc ở làng Gia Lộc xưa để cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, đời sống ngư dân trên đảo thêm ấm no, hạnh phúc. Hiện nay các miếu, đình, chùa Gia Lộc vẫn là nơi tổ chức lễ hội được chọn làm trung tâm lễ hội đua thuyền truyền thống và ra quân nghề biển của thị trấn Cát Hải.
Ngoài hội chính là đua thuyền vào ngày 21 tháng Giêng, chương trình trong ngày 20 trước đó gồm: Lễ rước nước, Rước kiệu Thánh, giải bóng bàn, giải cờ tướng, thi đan lưới, thi làm bánh trôi nước, thi xe đạp chậm, thi nhảy bao, thi đập niêu, bóng bàn, cờ tướng… và chương trình giao lưu văn nghệ “Tình quê”.
Lễ hội đua thuyền vào ngày 21 tháng Giêng là lễ hội truyền thống không chỉ mang tính tín ngưỡng, mang bản sắc riêng của người dân miền biển mà còn góp phần tô đẹp thêm nét văn hoá tốt đẹp của thành phố Hải Phòng.