Làng nghề Da Giầy Phú Yên và các di tích lịch sử

Nằm cách nút giao thông Cầu Giẽ chừng 2 km, làng nghề da giày Phú Yên (huyện Phú Xuyên, Hà Nội) từ lâu đã nổi tiếng khắp nước. Nghề da giày ở Phú Yên có lịch sử hơn hàng trăm năm và trải qua nhiều thăng trầm do thời cuộc. Tuy nhiên, sau những năm tháng khó khăn, nghề da giày Phú Yên giờ đã được phục hồi, phát triển.

Nghề làm giày da truyền thống xã Phú Yên được nhiều người biết đến từ thời Pháp thuộc. Tương truyền rằng vào các năm 1908-1926, xã Phú Yên có 2 cụ đi học nghề làm giày da là cụ Nguyễn Lương Các và cụ Nguyễn Lương Mạc. Sau khi học xong, hai cụ mang nghề về truyền dạy cho con cháu trong làng. Đến nay, xã Phú Yên có 2 làng nghề làm giày dép da truyền thống: Giẽ Hạ và Giẽ Thượng, được UBND thành phố Hà Nội công nhận làng nghề truyền thống vào năm 2001.

Năm 1960 Phú Yên mới thành lập được HTX sản xuất và xuất khẩu các loại giày dép da đi các nước Đông Âu. Sau năm 1986, làng nghề giày dép da Phú Yên bắt đầu có bước phát triển mới cùng với công cuộc đổi mới của đất nước. Từ năm 1996 trở lại đây, làng nghề giày dép da Phú Yên mới thực sự phát triển mạnh. Sản lượng làm ra rất là lớn, đạt khoảng 5-6 triệu đôi/năm. Hiện nay, giày dép Phú Yên đã có mặt ở khắp 3 miền trên cả nước, thậm chí còn xuất khẩu sang các thị trường đang phát triển như Lào, Campuchia, châu Phi,…

Nghệ nhân và cơ sở sản xuất

Làng Phú Yên hiện nay có hàng trăm gia đình theo nghề da giày, có nhiều nghệ nhân tay nghề cao. Trong đó phải kể đến gia đình nghệ nhân ba thế hệ, ông Lê Văn Thịnh và bà Đỗ Thị Oanh cùng con cháu. Gia đình ông bà vẫn theo nếp cũ, "tam đại đồng đường", sống chung trong một ngôi nhà 03 tầng khang trang ở Giẽ Hạ, Phú Yên, Phú Xuyên. Gia đình bà là tác giả chính của chiếc giầy da khổng lồ do hội da giầy Phú Yên chế tác dài 2,7 m được ghi vào kỷ lục Ghinet Việt Nam.

Các di tích làng nghề:

Đình Giẽ Thượng

Tương truyền được dựng vào khoảng cuối thế kỷ 17, bên trong thờ đức Quảng Bác Đại Vương. Theo truyền thuyết, ngài là người con trai thứ 2 trong số 5 người con của Hùng Huy Vương (vua Hùng thứ 8), có công giúp vua bảo vệ dân và giữ nước. Đình Giẽ Thượng nằm trên một khu đất cao ráo, cách Cầu Giẽ trên quốc lộ QL1A chừng 2km. Cổng đình mới xây lại theo kiểu nghi môn như cũ nhưng câu đối đắp trên trụ biểu được viết bằng chữ Quốc ngữ, hai bên cổng có tượng voi quỳ. Sau cổng có một cây sữa cao to che mát sân ngoài ở bên cạnh đầu hồi ngôi đình.

Đình ban đầu có 3 gian 2 chái. Đến thời Nguyễn thì tu sửa lại thành kiểu chồng diêm 2 tầng và làm thêm Hậu cung. Thượng lương tại Đại bái còn dòng chữ ghi năm tu sửa là Duy Tân năm thứ 3 (1909). Nét đặc sắc còn lưu giữ trong kiến trúc đình Giẽ Thượng là hệ thống mảng chạm với các hình tượng rồng, mây, tứ quý… có niên đại thế kỷ XVII. Hội làng được tổ chức hàng năm vào đầu mùa hạ, cứ 5 năm một lần mấy làng cùng thờ ngài Quảng Bác Đại Vương lại chung nhau làm đại lễ.

Đình Giẽ Hạ

Cũng được dựng thời Lê Trung Hưng, thờ đức Thành hoàng Quảng Bác Đại Vương. Tương truyền thần là con Kinh Dương Vương và Dung Châu.

Đình Giẽ Hạ nhìn về hướng Tây Nam, là một công trình kiến trúc quy mô to lớn và đồ sộ theo kiểu chữ Nhất, thờ đức Thành hoàng Quảng Bác Đại Vương. Tương truyền thần là con Kinh Dương Vương và Dung Châu. Đây là một trong những đặc trưng kiến trúc của thế ky XVII. Trước cửa đình là hồ nước hình bán nguyệt; xung quanh có các cây cổ thụ. Tại cổng đình hiện còn giữ được ba tấm bia đá thời Lê: bia “Kinh thù đường khánh vĩnh diên bi” được khắc vào năm Phúc Thái Đinh hợi (1647), bia “Hậu thần bi ký” được khắc vào năm Cảnh Hưng 17 (1756), bia “Phụng thiền bi ký” khắc năm Bảo Thái 5 (1724), nói về công lao của tướng quân Đặng Huấn đã giúp Lê-Trịnh diệt Mạc, các bia khác ghi công họ Dương và dân làng đã cung tiến tu bồ di tích.

Đình làng Giẽ Hạ nổi tiếng bởi nghệ thuật trang trí kiến trúc tập trung trên các cấu kiện gỗ, có niên đại từ thời Lê Trung Hưng và thời Nguyễn. Tiêu biểu là những mảng chạm khắc trên ở đầu dư, các bức cốn, xà nách… với các đề tài rồng mẫu tử, tiên cưỡi rồng, người cưỡi voi, long nghê quần tụ… rất tinh xảo, toát lên vẻ sinh động, hồn nhiên. Di tích được xếp hạng là di tích lịch sử - nghệ thuật cấp quốc gia năm 1996.

Đang tải...
Đang mở cửa • Mở cửa 24h

Nhóm tài nguyên: Nghề thủ công truyền thống
Địa chỉ: Phú Yên, Phú Xuyên, Hà Nội

Đánh giá

0
0 đánh giá
Tuyệt vời
0
Rất tốt
0
Tạm được
0
Không thích
0
Tồi tệ
0

Báo chí