Làng Đan Cỏ Tế Lưu Thượng

Nằm cách Hà Nội chừng 40 km, làng Lưu Thượng, xã Phú Túc, Phú Xuyên, Hà Nội từ lâu đã nổi tiếng với nghề đan cỏ tế có lịch sử hơn 400 năm.

Lịch sử hình thành nghề:

Nghề đan cỏ tế đã xuất hiện ở Phú Túc từ rất sớm. Tương tryền vào năm 1683, bà Nguyễn Thảo Lâm là người đầu tiên đưa cây cỏ tế về mảnh đất vốn lấy nông nghiệp làm nền tảng cơ bản để phát triển kinh tế. Chính bà là người bỏ ra nhiều công sức, mày mò nghiên cứu các đặc tính của loại cây này, từ đó đưa ra cách thức chế biến và biến cỏ tế thành nguyên liệu quan trọng cho việc sản xuất các đồ dùng thủ công hàng ngày, phục vụ cho cuộc sống và sinh hoạt.

Cây cỏ tế thường mọc ở các vùng núi cao, trung du, miền núi phía Bắc. Là loại cây thuộc họ dương xỉ. Cây cỏ tế về Phú Túc chính là sự kiện quan trọng nhất trong lịch sử phát triển làng quê này từ thế kỷ 17 đến nay. Phú Túc - từ một xã nghèo, thuần nông, người dân chỉ biết canh tác một năm hai vụ lúa, quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời mà đời sống vẫn nghèo khổ, đã có những đổi thay đáng kể. Cây cỏ tế là nguyên liệu sản xuất, đồng thời cũng mang theo nó cả một phương thức sản xuất mới, để Phú Túc trở thành một làng nghề truyền thống với doanh thu đến nay ngót trăm tỷ mỗi năm. Đạo lý truyền thống của dân tộc “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây” từ lâu vào ngày 15 tháng 10 (âm lịch) hàng năm, cả xã Phú Túc lại tưng bừng trong không khí lễ hội, trống rong cờ mở để tưởng nhớ đến ngày mà cụ Nguyễn Thảo Lâm mang cây cỏ tế về đây.

Cũng như bất kỳ làng nghề nào của Việt Nam, sự phát triển của Phú Túc cũng như một bản nhạc có đủ các nốt thăng, nốt trầm và dấu lặng. Mặc dầu, cây cỏ tế xuất hiện lần đầu tại Phú Túc từ năm 1683, nhưng trong một thời gian dài, nó cũng chỉ là một nguyên liệu để làm các đồ gia dụng, mỹ nghệ đơn giản. Trong rất nhiều năm liền, dấu ấn của cây cỏ tế thực sự chưa có gì đặc sắc, nổi bật chủ yếu chỉ là nguyên liệu để sản xuất các vật dụng đơn giản phục vụ cuộc sống hàng ngày. Tuy nhiên, trong một khoảng thời gian dài hàng trăm năm như vậy, cỏ tế đã dần khẳng định được vị thế của mình, trở thành một yếu tố quan trọng cho hình thành và phát triển một nghề: Nghề đan cỏ tế.

Trước đây, cây cỏ tế chủ yếu được chẻ ra để bán tại địa phương và các huyện, tỉnh lân cận phục vụ cho nghề đan cỏ tế và làm nguyên liệu bổ sung cho một số mặt hàng như nón, các loại rổ rá, giỏ đựng cua cá … Cây cỏ tế xuất hiện đầu tiên ở thôn Lưu Thượng. Trước đây, người dân trong làng tuyệt đối giữ bí quyết nghề, nhưng về sau chính do yêu cầu cấp bách cũng như quy luật của sự phát triển từ mô hình cá thể sang tập thể, nhân rộng mô hình ra toàn xã mà điều này bị xóa bỏ. Riêng chuyện chẻ cây cỏ tế thì bí quyết vẫn được giữ, vì vậy mà đến nay, mặc dù nghề đã rất phát triển nhưng chỉ có những người dân có kinh nghiệm ở thôn Lưu Thượng mới có thể chẻ được loại cỏ này.

Quy trình sản xuất:

Các loại tế nguyên liệu sau khi được mua về sẽ phải trải qua các công đọan chọn nguyên liệu: cỏ tế chất lượng có màu sắc đẹp, có độ dẻo, dai phù hợp với các mặt hàng, thông thường, tế cần phải được phơi ít nhất 03 nắng to liên tục mới đạt chất lượng, cả về độ bền và màu sắc. Với cỏ tế, kỵ nhất là gặp trời mưa, màu sẽ xỉn và độ dẻo, dai của nguyên liệu không đạt yêu cầu. Tùy từng loại hàng hóa và mục đích sử dụng mà cây cỏ tế được để nguyên hay chẻ ra làm 2, 3 hay 4 phần, phân loại theo màu sắc, kích cỡ, chất lượng, sau đó, cỏ tế được dùng để đan, tạo hình cho các sản phẩm.

Thành phẩm được hun sấy bằng diêm sinh. Sau đó được nhúng qua dầu keo để tăng độ bền cho sản phẩm. Nhúng dầu keo xong, sản phẩm sẽ được phơi hoặc sấy khô rồi tiếp tục nhúng dầu lần 2, hoặc có thể đến lần 3 tùy yêu cầu với các sản phẩm. Các sản phẩm được để khô kiệt rồi đóng kiện và xuất khẩu.

Các nguyên liệu như keo, dầu đều được mua trong nước, dầu thông thường được mua về từ Quảng Ninh. Do là sản phẩm thủ công, 100% công đoạn làm bằng tay nên nghề đan cỏ tế không cần đầu tư về máy móc trang thiết bị, chỉ cần đầu tư một lò sấy hơi, khoảng từ 150 – 200 triệu đồng. Xây dựng bể nhúng và có sàn dốc tận thu dầu, rồi chuyển ra sân phơi khô.

Nguyên liệu và thị trường:

Nguồn nguyên liệu là cây tế chủ yếu được mua về từ Hà Giang, nhưng từ năm 2005 đến nay, do cạnh tranh từ phía Trung Quốc, làng nghề Phú Túc chủ yếu mua các loại cỏ tế từ nước bạn Lào, với chất lượng tương đương.

Hiện nay, các sản phẩm của Phú Túc chủ yếu được dùng làm hàng xuất khẩu, tỷ lệ tiêu thụ trong nước không đáng kể. Các doanh nghiệp xuất khẩu trực tiếp (một phần nhỏ) và gián tiếp qua các công ty xuất nhập khẩu. thị trường chính vẫn là Nhật Bản, Đài Loan, các nước Đông Âu,…

Những giai đọan phát triển:

Nghề sản xuất hàng thủ công xuất khẩu từ cây cỏ tế chỉ thực sự phát triển nhanh, mạnh cả về quy mô và chiều sâu bắt đầu từ những năm 1990, do những yêu cầu cấp bách của phát triển nghề và chuyển dịch cơ cấu kinh tế tại các địa phương, Nhiều cụ già trong làng còn nhớ lại, ngày đó, đồng chí bí thư đảng ủy xã từng nói: Nghề đan cỏ tế là nghề có thể mang lại lợi nhuận và giúp người dân thoát nghèo. Bước đầu, chỉ cần mỗi ngày, mỗi lao động làm ra giá trị tương đương 1kg thóc từ nghề đan cỏ tế, thế là tốt lắm rồi. Vừa có nghề mới, vừa nâng cao đời sống cho nhân dân.

Sau nhiều năm hình thành và phát triển, từ mong ước giản dị của đồng chí bí thư, đến năm 1998, cây cỏ tế bắt đầu được dùng để tạo ra các sản phẩm xuất khẩu, thông qua việc cung cấp các sản phẩm cho Công ty XNK Quảng Ninh và Công ty XNK Mây tre Việt Nam, bước đầu là nhận mẫu về làm, chỉ là các sản phẩm thô, và chủ yếu do những người có tuổi thực hiện, số người biết nghề chưa nhiều.

Giai đọan đầu phát triển mạnh mặt hàng xuất khẩu là những năm 1998. Mỗi khi có những đơn hàng, mẫu mã khó, Công ty Mây tre đan Việt Nam lại mời cụ Ngãi và các thợ cứng tay trong làng ra thiết kế lại mẫu rồi dạy cho người dân địa phương,

Giai đoạn những năm 1995 – 2000 là giai đọan các sản phẩm hàng hóa từ cỏ tế có tốc độ phát triển rất nhanh và mạnh. Hàng hóa của Phú Túc được yêu thích và được sử dụng rất nhiều tại các nước như Đài Loan, Nhật Bản và các quốc gia Đông Âu. Giai đọan 2001 – 2008, nghề vẫn duy trì tốc độ phát triển, nhưng từ năm 2009, suy thoái kinh tế đã gây ra không ít khó khăn cho hoạt động xuất khẩu của địa phương do nhu cầu về hàng hóa tại các thị trường giảm mạnh.

Hiệu quả kinh tế - xã hội:

Đến nay, sau hơn 300 năm phát triển, Phú Túc có trên 1000 mẫu hàng hóa, chủ yếu từ cỏ tế và các nguyên liệu khác như bẹ ngô, bẹ chuối, bèo. Các mặt hàng hiện nay chủ yếu được sản xuất theo các mẫu mã đã có. Hầu hết các hộ gia đình trong xã đều có lao động làm nghề. Đặc điểm của nghề đan cỏ tế là các lứa tuổi, giới tính đều có thể tham gia. Người già nhất vẫn còn làm nghề ở Phú Túc hiện đã ngót nghét trăm tuổi, còn trẻ nhất là những em bé mới lên 6, lên 7. Thu nhập từ nghề đan cỏ tế bình quân hiện nay là từ 20.000 - 30.000 đồng/người/ngày. Hiện nay, các hộ sản xuất chủ yếu làm theo đơn đặt hàng của các doanh nghiệp trong xã, theo hình thức nhận nguyên liệu về làm tại gia đình.

Nghề đan cỏ tế đã thực sự mang lại cho Phú Túc một diện mạo mới, nâng cao mức sống của người dân trong xã. Về Phú Túc ngày nay, đường làng ngõ xóm đều được bê tông hóa, các hộ dân đều có được cơ ngơi khang trang, tiện nghi. Cây cỏ tế đưa bước các em học sinh đến trường, cây cỏ tế nâng cánh những ước mơ, và cây cỏ tế - với lịch sử hàng trăm năm thăng trầm cùng Phú Túc đang biến một vùng quê nghèo, thành một điểm sáng trong phát triển kinh tế của Thủ đô.

Đang tải...
Đang mở cửa • Mở cửa 24h

Chứng nhận: Di sản văn hóa cấp Tỉnh/Thành phố

Nhóm tài nguyên: Nghề thủ công truyền thống
Địa chỉ: Xã Phú Túc, Phú Xuyên, Hà Nội

Đánh giá

0
0 đánh giá
Tuyệt vời
0
Rất tốt
0
Tạm được
0
Không thích
0
Tồi tệ
0

Báo chí