Làng nghề làm bánh tẻ Phú Nhi

Phú Nhi là một làng cổ nằm ven sông Hồng, thuộc địa phận phường Phú Thịnh, thị xã Sơn Tây. Cảnh sắc quê hương Phú Nhi ngày nay được đô thị hóa, đường làng ngõ xóm khang trang, không khí thoáng đãng mát mẻ. Nhân dân nơi đây vẫn cần cù, chịu thương chịu khó với nghề bánh tẻ truyền thống, phục vụ đông đảo nhân dân trong và ngoài thị xã Sơn Tây. Bước chân tới làng, bên cạnh cái cảm giác yên bình, tĩnh lặng, du khách còn cảm nhận được cái mùi thơm ngầy ngậy của hành phi trong nhân bánh tẻ. Thật là hấp dẫn và tuyệt vời khi hít hà cái không khí của làng quê ấy.

Theo nhân dân, bánh tẻ Phú Nhi có từ lâu đời. Bánh tẻ xuất hiện sớm tại 2 địa danh của vùng xứ Đoài xưa là Cầu Liêu (Thạch Thất) và Phú Nhi (Sơn Tây). Bánh tẻ Phú Nhi được nhắc đến từ khi khánh thành ngôi đình làng Phú Nhi (năm 1802-niên hiệu Gia Long nguyên niên), nhân dân làm bánh dâng cúng thành hoàng làng. Đây là loại bánh được đánh giá là một lễ vật rất đơn sơ, giản dị, mộc mạc, gần gũi với đời sống thường ngày của nhân dân và dần trở thành một món ăn, một tặng phẩm không thể thiếu trong các dịp giỗ-tết-lễ hội truyền thống của quê hương Phú Nhi.

Nhân dân Phú Nhi hiện nay vẫn lưu truyền câu chuyện về một tình yêu đẹp và giản dị được cho là nguồn gốc, lịch sử về làng nghề bánh tẻ Phú Nhi. Tên gọi “Phú Nhi” được ghép từ tên của chàng trai là Nguyễn Phú và cô gái là Hoàng Nhi trong chuyện tình ấy. Rằng: Nguyễn Phú là người rất chăm chỉ, hiền lành, chất phác, tư bẩm thông minh. Phú thường theo mẹ ra chợ để phụ giúp mẹ bán trầu vỏ. Hoàng Nhi cũng hay theo mẹ ra chợ để bán bánh đúc. Nhân duyên đến với 2 người khi họ gặp nhau qua các lần theo mẹ ra chợ. Lâu ngày, họ nảy sinh tình cảm và cứ vậy thêm thắm nồng. Một ngày, Phú sang nhà Nhi chơi. Họ cùng nhau trò chuyện, tâm đầu ý hợp nên Nhi đã quên nồi bánh đúc đang phụ mẹ nấu dở. Hỏng nồi bánh, bố của Hoàng Nhi không bằng lòng, ông đã nghiêm khắc ngăn cản tình yêu đôi lứa. Ông cấm Nhi theo mẹ ra chợ. Nhi không còn cơ hội để gặp Phú. Lâu ngày, nỗi nhớ thương trần đầy, khiến cho Nhi lâm bệnh và qua đời. Về phần Phú, khi nồi bánh đúc hỏng, liền mang về nhà. Nhìn nồi bánh đúc, Phú cảm thấy rất tiếc của nên ra vườn hái lá dong và chuối khô, lau sạch rồi lấy hành làm nhân. Phú quết bột lên lá dong có lót lá chuối khô bên ngoài, cho nhân hành vào rồi cuốn lại, lấy dây giang buộc và đem đun. Khi bánh chính, Phú bỏ bánh ra, để nguội và bóc thì thấy có mùi thơm và ăn ngon. Từ đó, Phú làm ra những mẻ bánh cùng mẹ mang ra chợ bán. Bánh bán được nhiều mỗi ngày, Phú càng thêm nhớ Nhi.

Ngày nay, bánh tẻ Phú Nhi (Sơn Tây, Hà Nội) trở thành món đặc sản được nhiều người ở các tỉnh trên cả nước biết đến và ưa chuộng, vì thế đã có đến 100 hộ trong làng chuyên sản xuất bánh tẻ với mục đích kinh doanh. Có những gia đình sản xuất trung bình 1.000 - 2.000 chiếc mỗi ngày. Trong những gia đình đó có thể kể đến nhà bà Phạm Thị Bình ở thôn Phú Nhi 3. Các gia đình làm bánh tẻ lâu năm và coi đây là nghề chính nên thường đầu tư khá nhiều vào thiết bị, vật tư.

Nhằm đưa sản phẩm Bánh tẻ Phú Nhi trở thành thương hiệu hàng hoá có sức cạnh tranh cao trên thị trường, đồng thời thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh của làng nghề bánh tẻ, đem lại việc làm và thu nhập ổn định cho nhiều lao động ở địa phương, ngày 30/12/2010, Cục Sở hữu trí tuệ có Quyết định số 24039/QĐ-SHTT công nhận thương hiệu sản phẩm bánh tẻ Phú Nhi. Trong tương lai, sản phẩm Bánh tẻ Phú Nhi sẽ được đông đảo người tiêu dùng biết đến hơn nữa.

Đang tải...
Đang mở cửa • Mở cửa 24h

Nhóm tài nguyên: Nghề thủ công truyền thống
Địa chỉ: Phú Thịnh, Thị xã Sơn Tây, Hà Nội

Đánh giá

0
0 đánh giá
Tuyệt vời
0
Rất tốt
0
Tạm được
0
Không thích
0
Tồi tệ
0

Báo chí