Di tích khảo cổ Chăm Phong Lệ là loại hình di tích khảo cổ duy nhất trong số gần 80 di tích của thành phố Đà Nẵng. Theo chuyên gia đây thực sự là một trung tâm tôn giáo lớn được người Chăm xây dựng và sử dụng lâu dài trong lịch sử, với niên đại ước tính khoảng 1.000 năm tuổi.
Theo các cuộc khai quật, di tích khảo cổ Chăm Phong Lệ nằm phân bố trên một gò đất cao, được bao quanh bởi một dòng chảy cổ thuộc dòng sông Cẩm Lệ. Tổng thể kiến trúc có thể bao gồm một đền tháp chính ở cấp nền trung tâm cao nhất, vây quanh là hệ thống tường bao ngăn cách khu vực trung tâm với vùng ngoại vi, lối vào qua kiến trúc Cổng, có thể có một số công trình phụ trợ như nhà dài trước Cổng, tháp Hỏa hoặc đền tháp phụ ở trong tường bao gần đền tháp chính,...
Theo ghi chép, di chỉ khảo cổ Chăm Phong Lệ đã từng là vùng đất được chuyển giao từ vương quốc Chămpa sang Đại Việt sau cuộc hôn nhân lịch sử giữa vua Chămpa Chế Mân và công chúa Huyền Trân. Qua 3 đợt khai quật, xuất lộ nhiều dấu vết kiến trúc Chăm cùng một số hiện vật còn sót lại. Đặc biệt lần đầu tiên, các chuyên gia đã khai quật được 1 “hố thiêng” có bố cục hoàn toàn khác lạ với các di tích đã biết.
Khu di tích Chăm Phong Lệ đã được UBND thành phố Đà Nẵng phê duyệt và được chia làm 3 khu vực gồm khu vực bảo tồn, khu vực bảo vệ di tích và khu vực phát huy giá trị di tích. Đây chính là cơ hội, điều kiện để góp phần đẩy mạnh các hoạt động văn hóa, du lịch tại địa phương.
Như đã nói ở trên, khi đến thăm khu di tích Chăm Phong Lệ, khách tham quan sẽ được chiêm ngưỡng những tàn tích của một vương triều Chăm Pa lớn mạnh, để biết hơn, hiểu hơn về quá khứ và lịch sử của dân tộc Việt Nam.