Đàn Nam Giao là đàn tế duy nhất ở Huế còn tồn tại đến ngày nay, nằm trong quần thể di tích cố đô. Công trình không chỉ mang vẻ đẹp kiến trúc thời phong kiến mà còn là chốn để tĩnh tâm, chiêm nghiệm.
Đàn Nam Giao ngày nay là địa điểm du lịch Huế được xây dựng ở khu vực làng Dương Xuân, thuộc phía Nam kinh thành xưa. Đàn Nam Giao Huế được khởi công xây dựng ngày 25/03/1806, dưới thời vua Gia Long. Trong lịch sử nhà Nguyễn, có đến 10 đời vua tổ chức các buổi tế lễ trời đất ở đây. Tổng cộng đại lễ được diễn ra do vua hoặc người thay thế chủ trì là 98.
Lễ tế đàn Nam Giao ngày trước là một nghi thức được xếp vào hàng Đại tự, tức lễ lớn, quan trọng của triều đình nhà Nguyễn và chỉ có nhà vua mới có quyền thực hiện lễ tế giao. Lễ tế giao thường được tổ chức mỗi năm một lần vào mùa xuân và kéo dài đến 3 ngày. Sau này, buổi lễ được tổ chức 3 năm 1 lần. Và đến thời vua Bảo Đại thì rút xuống chỉ còn một ngày.
Đàn Nam Giao được xây dựng với tổng diện tích 10ha, gồm Giao đàn và nhiều công trình phụ khá như Thần trù, Trai cung, Thần khố,...
Bốn mặt của đàn tế được thiết kế thành 4 cửa, cửa chính là hướng Nam. Mỗi cửa đều có một bình phong bằng đá, chiều rộng 12,5m, với chiều cao 3,2m và dày khoảng 0,8m. Bao quanh đàn Nam Giao là cánh rừng thông xanh mát. Trước đây, loại cây này tượng trưng cho người quân tử hào phóng, khí phách.
Giao đàn là vị trí trung tâm của đàn Nam Giao, cũng là nơi diễn ra các nghi lễ chính. Nơi đây thiết kế với khuôn viên hình chữ nhật có diện tích 390m x 265m, gồm 3 tầng, tuân theo thuyết Tam Tài: Thiên - Địa - Nhân, Trời tròn - Đất vuông:
Tầng 1 là Viên Đàn, được xây hình tròn, quét vôi xanh, ngụ ý là Thiên Thanh.
Tầng 2 gọi là Phương Đàn, có hình vuông, quét vôi vàng, tượng trưng cho Địa Hoàng.
Tầng cuối hình vuông, quét vôi đỏ, tượng trưng cho Nhân.
Mỗi tầng được trổ cửa và xây bậc thềm ở bốn phía. Ba phía Đông - Tây - Bắc xây 9 cấp, phía Nam xây 15 cấp. Kiến trúc đàn Nam Giao triều Nguyễn mang ý nghĩa đặt con người sánh ngang với trời, đất và thần linh.
Ngoài Giao đàn là công trình chính, đàn Nam Giao còn có các công trình phụ như Trai cung, nơi nhà vua tiến hành trai giới thanh tịnh. Trai cung được bao quanh bởi tường gạch, dài 85m, rộng 65m, xây theo thế “tọa bắc hướng nam”. Trai cung gồm Chính điện, Hữu túc, nhà Tả túc, phòng Thượng trà,…
Bên cạnh Trai cung còn có:
- Tế sinh sở - nơi giết mổ vật đem cúng tế
- Thần trù - bếp chuẩn bị đồ vật cho buổi tế lễ
- Thần khố - nhà kho để đồ tế khí