Đài tưởng niệm quân nhân Nga – Việt nằm bên bờ biển Mỹ Ca (Khánh Hoà), là nơi tìm đến của những người muốn tìm hiểu và tri ân anh hùng liệt sĩ quân đội Nga đã ngã xuống tại đây. Bất kỳ ai ghé thăm và thắp nén hương cho các anh đều không khỏi xúc động mỗi khi nghe kể về những tráng sĩ Nga thời chiến. Tượng đài Tưởng niệm quân nhân Liên Xô/Nga - Việt Nam, gọi tắt là Tượng đài Cam Ranh, như một dấu ấn lịch sử về mối quan hệ quốc tế cao cả giữa Quân đội nhân dân Việt Nam và Quân đội Liên Xô cũ (nay là Liên bang Nga).
Tượng đài Cam Ranh được Liên doanh Dầu khí Việt Xô (Vietsovpetro) tài trợ khởi công năm 2007 và khánh thành năm 2009, nằm cạnh đại lộ Nguyễn Tất Thành, nối liền thị xã Cam Ranh với thành phố Nha Trang. Tượng đài được xây dựng theo đồ án thiết kế của kiến trúc sư Nguyễn Quốc Thắng, tọa lạc trên một quả đồi nhỏ nằm trong một khuôn viên có diện tích 1,2 ha, tràn ngập màu xanh của cây cối. Đây là một trong những tác phẩm điêu khắc nghệ thuật từ đá granit lớn nhất Việt Nam (nặng hơn 800 tấn, cao 21 mét).
Phần đài là mũi tàu với cột buồm thẳng đứng như dải khói trắng của chiếc MIG-21 đang bay nâng hai lá cờ lớn Việt Nam và Liên bang Nga, tượng trưng ý chí vươn lên và sức mạnh quân sự chinh phục bầu trời của quân đội hai nước. Phần tượng là hình ảnh người lính, biểu tượng Hải quân Việt Nam sát cánh cùng không quân Liên Xô và em bé nâng cánh chim hòa bình - tượng trưng cho tình hữu nghị lâu đời của hai dân tộc. Nụ cười của các nhân vật trên bức tượng là biểu tượng niềm tin chiến thắng. Hai hàng bia dưới chân Tượng đài ghi danh 44 quân nhân Liên Xô/Nga và 174 cán bộ, chiến sĩ QĐND Việt Nam đã hy sinh tại Cam Ranh và khu vực miền Trung vì hòa bình và ổn định khu vực từ năm 1978 đến năm 2002.
Tượng đài Cam Ranh ngày nay có "tiền thân" là một cột bia bằng xi măng, do các quân nhân Liên Xô dựng lên năm 1996 ở căn cứ Cam Ranh để tưởng niệm 9 thành viên trong kíp bay TU-95 của Thiếu tá cận vệ Kri-ven-cô S.D. hy sinh ngày 13-2-1985, trong khi làm nhiệm vụ trên vùng thềm lục địa Việt Nam.
Vào năm 1995, sau tai nạn thảm khốc của 3 chiếc SU-27 đâm vào núi Chúa, cột bia đã bổ sung thêm bảng thứ 2 đặt ở phía trên ghi tên 4 người phi công dũng cảm của đội "Những tráng sĩ Nga" và trên đỉnh cột được gắn thêm mô hình chiếc máy bay SU-27. Sau khi những người lính Nga cuối cùng rời khỏi Cam Ranh năm 2002, do Đài tưởng niệm nằm trong căn cứ quân sự nên ít người biết đến.
Tháng 12-2004, sau chuyến thăm của đoàn tàu chiến Hạm đội Thái Bình Dương, Vietsovpetro đã thành lập Ủy ban hỗn hợp, phối hợp với với OAO Zarubezhnef trùng tu lại Đài tưởng niệm ở Cam Ranh. Sau sự kiện này, Ban lãnh đạo Vietsovpetro đã đề xuất ý tưởng xây dựng tượng đài mới để tưởng nhớ những quân nhân Liên Xô và Việt Nam đã hy sinh vì hòa bình và ổn định khu vực, nâng biểu tượng của Tượng đài lên tầm cao mới của tình hữu nghị giữa hai dân tộc. Sáng kiến này đã được các ban, ngành, các tổ chức có liên quan của hai nước ủng hộ nhiệt tình.
Tháng 5-2007, mẫu Tượng đài của nhà điêu khắc Nguyễn Quốc Thắng đã được Hội đồng nghệ thuật lựa chọn và làm lễ đặt viên đá đầu tiên khởi động công trình Tượng đài Cam Ranh, đến ngày 10-12-2009 làm lễ khánh thành. Sau khi tượng đài mới được xây dựng xong, các tấm đá ghi danh các phi công Liên Xô - Liên bang Nga trên bia tưởng niệm cũ được tháo gỡ đưa về lưu giữ vĩnh viễn trong Bảo tàng truyền thống của Hạm đội Thái Bình Dương ở thành phố Vla-đi-vô-xtốc.
Tượng đài Cam Ranh là một công trình văn hóa mang nhiều ý nghĩa về tình đoàn kết, hữu nghị giữa hai dân tộc Việt Nam, Liên Xô cũ (Liên bang Nga ngày nay) đã được xây dựng bằng công sức, trí tuệ và xương máu của những con người giàu tinh thần cộng sản quốc tế. Tượng đài Cam Ranh, nhắc nhở mỗi người Việt Nam về giá trị thiêng liêng của chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Ngày 9-5 hàng năm được chọn làm Ngày truyền thống, tổ chức lễ tưởng niệm, đặt vòng hoa tại đây để tưởng nhớ những người con ưu tú của đất nước Liên Xô/Nga và Việt Nam đã ngã xuống, cống hiến cuộc đời mình cho sự nghiệp hòa bình và ổn định trong khu vực, vì chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam.