Di tích Khương Mỹ thuộc xã Tam Xuân, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam, gần Quốc lộ 1A, cách thành phố Đà Nẵng khoảng 75km về phía Tây - Nam. Bao gồm 3 tháp liên hoàn nằm kề nhau, được xây dựng khoảng đầu thế kỷ X. Tại đây đã phát hiện nhiều tác phẩm điêu khắc (hiện được trưng bày tại Bảo tàng điêu khắc Champa Đà Nẵng) và nhiều chum vại có niên đại khoảng vài trăm năm.
Di tích tháp Chăm Khương Mỹ thuộc thôn 4, xã Tam Xuân I, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam được xây dựng vào cuối thế kỷ IX đầu thế kỷ X bao gồm ba tháp: tháp Bắc, tháp Giữa và tháp Nam và được công nhận là di tích quốc gia vào năm 1989.
Ba tháp được xếp theo trục Bắc - Nam, một kiểu tháp Chăm truyền thống với mặt bằng gần vuông, cửa ra vào ở hướng đông, mái tháp gồm 3 tầng, tầng trên là hình ảnh thu nhỏ của tầng dưới, trên cùng có chóp tháp bằng sa thạch.
Tháp Bắc
Là tháp nhỏ nhất trong nhóm, có một cửa ra vào và 5 cửa giả (1 cửa ở phía Tây, ở tường phía Bắc và Nam mỗi bên có 2 cửa). Tiền sảnh tháp bị sụp đổ một phần. Vòm cuốn trên các cửa uốn hình vòng cung, trang trí hoa văn thảo mộc cách điệu, đầu lá uốn cong xoắn xít, lá xếp thành nhiều tầng, thu nhỏ dần lên trên, tâm của vòm cuốn là một tổ hợp cành lá uốn thành dạng lá đề. Trên mỗi mặt tường có 5 trụ ốp tường, dọc các trụ ốp tường trang trí hoa văn thảo mộc cuộn thành những chữ S nối tiếp nhau, xen kẽ với các mảng tường trang trí hình thoi nối tiếp nhau từ chân đến đỉnh tường.
Tháp Giữa
Lớn hơn tháp Bắc, được bảo tồn tương đối tốt. Cũng có một cửa ra vào và 5 cửa giả như tháp Bắc. Vòm cuốn trên cửa được tách làm 2 tầng, cấu tạo bởi các lớp hoa văn thảo mộc cách điệu, uốn cong ở đầu mút, lá có rãnh sâu, trên đỉnh của mỗi vòm cuốn là một tổ hợp cành lá uốn thành hình lá đề. Phần chân và đỉnh của các trụ đỡ vòm cuốn chạm 2 tầng hoa sen cách điệu. Trên mỗi mặt tường có 5 trụ ốp tường, chạm trổ hoa văn thảo mộc cuộn thành những chữ S nối tiếp nhau.
Tháp Nam
Là tháp lớn nhất trong nhóm, được bảo tồn tương đối tốt, cấu trúc gần như 2 tháp kia, nhưng trên mỗi mặt tường chỉ có 4 trụ ốp tường. Hoa văn trang trí trên các trụ ốp tường và các mảng tường là các dải hoa văn thảo mộc cuộn thành những chữ S nối tiếp nhau, xen kẽ với hoa văn hình thoi. Theo Ph. Stern, tại Khương Mỹ, lần đầu tiên trong kiến trúc Chăm-pa xuất hiện một số motuyp trong nghệ thuật kiến trúc Khmer: kiểu cành lá uốn cong vểnh lên ở đầu mút, lá có rãnh sâu. Các hình thoi nối tiếp nhau được tạo thành bởi đường chéo và các đóa hoa cách điệu. Đó là kiểu hoa văn đặc trưng của nghệ thuật Khmer cuối thế kỷ IX - đầu thế kỷ X.
Các cửa giả của các tầng tháp đều trang trí với những hình lá đề có chi tiết với những cành lá cách điệu hình ngọn lửa. Một số tác phẩm điêu khắc bằng chất liệu đất nung gắn vào thân tháp có hình chim thần Garuda, rắn Naga, người cưỡi voi, người cưỡi ngựa, các chiến sĩ bay... Bên trong tháp trống trơn, chỉ có rêu xanh phủ đầy ở những nơi mà ánh sáng có thể lọt vào.
Tại Khương Mỹ, lần đầu tiên trong kiến trúc Chăm xuất hiện một số mô-típ trong nghệ thuật Khmer được điêu khắc vô cùng tinh xảo trên những bức tường và cổng tháp như những hoa văn thảo mộc, cành lá uốn cong vểnh lên ở đầu, lá có rãnh sâu; các hình thoi nối tiếp nhau được tạo thành bởi những đường chéo và các đóa hoa cách điệu, kiểu hoa văn đặc trưng của nghệ thuật Khmer cuối thế kỷ IX đầu thế kỷ X.