Khu lưu niệm Chủ tịch HĐNN Võ Chí Công được xây dựng trên nền căn nhà cũ của gia đình Chủ tịch HĐNN Võ Chí Công, mảnh đất này đã sản sinh ra một người con ưu tú của Đảng của quê hương Quảng Nam.
Khu lưu niệm Chủ tịch HĐNN Võ Chí Công được chính thức khởi công xây dựng vào ngày 29-3-2003 và hoàn thành giai đoạn I đúng dịp kỷ niệm 29 năm Ngày giải phóng tỉnh Quảng Nam (24/3/1975 - 24/3/2004). Năm 2017, công trình nâng cấp mở rộng Khu lưu niệm Chủ tịch HĐNN Võ Chí Công giai đoạn II hoàn thành và đi vào hoạt động phục vụ khách tham quan. Sau khi mở rộng, khu lưu niệm có diện tích 16.000m2, gồm các công trình: Nhà đón tiếp, nhà thờ, nhà tưởng niệm, nhà trưng bày, nhà chiếu phim và thư viện cộng đồng.
Kiến trúc Khu lưu niệm được xây dựng mô phỏng theo lối kiến trúc nhà ở truyền thống của Quảng Nam, kết hợp mảng cây xanh, sân, vườn, hàng cau. Kiến trúc Nhà trưng bày được xây dựng theo lối kiến trúc nhà ở dân gian 3 gian 2 chái, mái bê tông lợp ngói âm dương, với diện tích 264 m2; bên trong nhà trưng bày, trưng bày hơn 200 hiện vật, tư liệu và gần 50 bức ảnh về cuộc đời hoạt động của đồng chí Võ Chí Công. Tại Nhà trưng bày, du khách sẽ được nghe giới thiệu về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch HĐNN Võ Chí Công.
Nhà đón tiếp khách có kiến trúc nối liền với nhà chiếu phim có diện tích 656m2, với kết cấu bê tông giả gỗ, mô phỏng nhà ở dân gian Quảng Nam với 5 gian 2 chái, được trang bị ti vi màn hình rộng để phục vụ chiếu phim tư liệu về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch HĐNN Võ Chí Công. Đối diện với nhà đón tiếp là khu nhà tưởng niệm - nơi đặt bàn thờ với bức tượng bán thân bằng đồng của Chủ tịch HĐNN Võ Chí Công do Ban liên lạc cán bộ kháng chiến Khu V kính tặng.
Tại đây, sau khi thành kính thắp nén hương bày tỏ tấm lòng tri ân, tưởng niệm, du khách có thể ghé thăm nhà trưng bày để tìm hiểu về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Bác Công. Tất cả các hiện vật, tư liệu, hình ảnh được bài trí khá trang trọng, sắp xếp đúng theo từng giai đoạn lịch sử tham gia đấu tranh cách mạng của Bác Công trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Qua đó, chúng ta thấy được tinh thần yêu nước, vai trò lãnh đạo của Bác Công quan trọng như thế nào đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc. Mỗi hiện vật, mỗi hình ảnh đều ghi lại những giai đoạn lịch sử cống hiến của Bác Công cho sự nghiệp cách mạng.
Cũng tại đây trưng bày những hiện vật liên quan đến sự nghiệp cách mạng của đồng chí Võ Chí Công như: Chiếc bàn, ghế làm việc bằng gỗ, chiếc bàn tròn tiếp khách bằng gỗ, chiếc võng và tấm chăn bằng vải dù, cà mèn đựng thức ăn, bộ đồ bà ba đen, đôi dép cao su, chiếc gậy, cái đèn tự tạo, bộ dao cạo râu, hộp thuốc điều trị, đôi dép da, khẩu súng ngắn... Tất cả đã nói lên sự đồng cam cộng khổ của Bác Công với đồng đội, đồng chí trong những năm chiến tranh ác liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ, nhất là khi quân Mỹ trực tiếp tham chiến ở chiến trường miền Nam Việt Nam năm 1965.
Những bài viết, bài phát biểu của đồng chí Võ Chí Công về các chủ trương lớn, các sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước, quê hương Quảng Nam cùng rất nhiều hình ảnh hoạt động của đồng chí Võ Chí Công khi được Đảng và Nhà nước giao cho những trọng trách quan trọng, những hình ảnh tiếp các đoàn khách quốc tế hay những hình ảnh đồng chí Võ Chí Công chụp với các đồng chí lãnh đạo các nước khi đồng chí đến thăm... cũng được trưng bày trang trọng tại đây.
Ngoài ra, để phục vụ nhu cầu tìm hiểu của du khách, tại khu lưu niệm có một thư viện cộng đồng nhỏ với diện tích 197m2 - là nơi lưu giữ sách, báo nói về cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Võ Chí Công. Tại đây, cũng lưu giữ hơn 1.000 đầu sách, báo, tạp chí... để phục vụ nhu cầu đọc sách của các cháu học sinh và nhân dân địa phương.
Từ khu nhà tưởng niệm, đi qua khoảng sân lát đá rợp bóng cây xanh và những hàng chè tàu được cắt tỉa gọn gàng, du khách có thể ghé thăm khu nhà thờ cũ trước đây để thắp nén nhang tưởng niệm. Nhà thờ cũng được xây dựng theo lối kiến trúc truyền thống của Quảng Nam “tiền khách hậu tự”, bàn thờ đặt chính giữa, 2 gian 2 bên và có hiên phía trước, 2 chái thông nhau và có lối ra ở phía nhà tiếp khách. Đây chính là cấu trúc tam đoạn, cấu kiện bằng gỗ và mái lợp ngói âm dương, mặt quay về hướng Nam. Trong nhà thờ bài trí những hiện vật như: Chiếc rương gỗ, bộ ván (phản) bằng gỗ mít, bộ trường kỷ... mà trước đây, gia đình Bác Võ Chí Công đã từng sử dụng.
Đặc biệt, điểm nhấn của khu vực bàn thờ là hai câu đối chữ nhũ vàng khắc trên gỗ sơn đỏ do Huyện ủy Đại Lộc (Quảng Nam) tặng: “Từ Quảng Nam dấn bước tiền phong, tù ngục chẳng sờn lòng, võ trang diệt giặc giành đất rộng trời xanh, đưa Tổ quốc đến ngày toàn thắng/ Ra Hà Nội chung vai trọng trách, gian nan càng vững lái, tâm huyết dốc lòng lo dân giàu nước mạnh, cầm chính quyền giữ phép chí công”.