Đền thờ Trần Quý Cáp

Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Trần Quý Cáp mãi mãi là tấm gương ngời sáng trong lịch sử dân tộc và mãi mãi là nét son hồng trong lịch sử hình thành và phát triển của vùng đất Khánh Hòa.

Đền Trần Quý Cáp hay còn được nhắc đến với tên Trung Liệt Điện tọa lạc tại thị trấn Diên Khánh, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa. Đền được xây dựng ở khu vực Gò Chết Chém, cách cầu Sông Cạn (nay là cầu Trần Quý Cáp) khoảng 50m về phía Nam và cách di tích Thành Diên Khánh 1km về phía Tây Bắc.

Tổng quan về đền thờ Trần Quý Cáp Khánh Hòa nằm ở đâu?

Đền thờ này được xây dựng năm Canh Tuất 1970, với cấu trúc tân thời không mang những nét kiến trúc cổ đặc trưng như miếu Trịnh Phong hay các ngôi miếu khác trong vùng, đền thờ Trần Quý Cáp Diên Khánh mang đậm nét tân thời, là sự kết hợp khéo léo giữa lối kiến trúc đền đài pha lẫn hiện đại.

Năm 2003, nhân dịp kỷ niệm 350 năm thành lập tỉnh Khánh Hòa và để thuận tiện cho việc xây dựng lại cầu sông Cạn (nay là cầu Trần Quý Cáp), đền đã được di dời lùi vào phía trong cách khu đền cũ khoảng 50m.

Miếu thấp nhỏ, xây theo lối cổ lầu, bốn mái kích thước bằng nhau quay theo 4 hướng. Bốn góc mái ở cổ lầu và mái hạ đều được đắp trang trí bằng các hoa văn, hoạ tiết rồng chầu đắp nổi theo lối tân thời. Miếu xoay về hướng Đông, nhìn xuống dòng sông Cạn. Trước miếu có cột cờ cao 3,5m, xây trên bồn nước hình lục giác.

Hai bên cột cờ, mỗi bên đều có “Lư vọng liệu“ cao tới 1,5m, ba chân chắc chắn cấu trúc hình móng cọp đặt trên bệ đúc tròn. Đây cũng được chọn dùng nơi để đốt bài vị trong những ngày tế lễ, hoặc đốt thắp sáng trong những ngày nhang khói.

Đền thờ Trần Quý Cáp có diện tích 12m2, toàn bộ nền đều được lát gạch hoa. Bên trong có một bảng hiệu lớn với dòng chữ “Trung nghị cảm nhận” được hiểu đơn giản là cảm phục người trung, bên cạnh đó là các câu đối cùng được đặt xung quanh vị trí này. Có rất nhiều câu đối ở đây được viết với ý nghĩa ca ngợi ý chí anh hùng, vì nước quên thân của những liệt sĩ.

Những câu đối ở phía sau khám thờ được viết riêng cho Trần Quý Cáp để ca ngợi một người chí sĩ yêu nước, một nhà giáo dục lớn, có công với đất nước. Tại chính điện có khắc tên 3 vị liệt sĩ: Phía phải là Diên Khánh Cần Vương tham tán quân vụ Nguyễn Khanh; Ở chính giữa là Quảng Nam Sung Tân Định Giáo thọ Trần Quý Cáp; Phía trái là Khánh Hòa Cần Vương, nghĩa quân đại vương Trịnh Phong.

Hai bên tường hồi giới thiệu một số hình ảnh về lăng mộ ở quê hương Trần Quý Cáp và văn thơ các bạn đồng lứa khóc thương cụ Trần khi nghe tin ông bị xử tử ở Khánh Hòa.

Bên cạnh đền là cây lồng mức cổ thụ, nơi ghi dấu tội ác của chế độ thực dân phong kiến đã xử tử biết bao chiến sĩ trong các phong trào cách mạng nước ta; phía trên trước mặt đền đắp nổi 3 chữ “TRUNG LIỆT ĐIỆN”.

Hằng năm, vào ngày 17/5 âm lịch, là ngày mất của chí sĩ Trần Quý Cáp, cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, nhân dân và các em thiếu nhi của Thị Trấn và huyện Diên Khánh cùng gia đình đến thắp hương tưởng niệm người chí sĩ yêu nước Quảng Nam đã hy sinh trên mảnh đất Diên Khánh -Khánh Hòa.

Đền thờ Trần Quý Cáp Khánh Hòa đã được Bộ văn hóa thông tin công nhận Di tích Lịch sử Văn hóa cấp Quốc gia vào năm 1991. Chắc hẳn, với mỗi người dân của mảnh đất Diên Khánh thì đây là niềm tự hào về truyền thống yêu nước, lịch sử đấu tranh, xây dựng và bảo vệ quê hương đất nước.

Với mong muốn gìn giữ và phát huy truyền thống quý báu từ đời xưa để lại cho đến nay, việc tôn tạo và bảo vệ di tích đền thờ Trần Quý Cáp không còn là trách nhiệm, mà là tình cảm của người dân Diên Khánh – Khánh Hòa thể hiện sự biết ơn đến vị chí sĩ yêu nước đã hi sinh độc lập cho dân tộc.

Đang tải...
Đang mở cửa • Đóng cửa 17:00 PM

Chứng nhận: Di sản văn hóa cấp Quốc gia

Nhóm tài nguyên: Di Tích, Lịch Sử, Văn Hoá
Địa chỉ: Thị trấn Diên Khánh,   Diên Khánh, Khánh Hòa
Diện tích: 12m2

Đánh giá

0
0 đánh giá
Tuyệt vời
0
Rất tốt
0
Tạm được
0
Không thích
0
Tồi tệ
0

Báo chí