Nhà lưu niệm cụ Phan Châu Trinh

Đến tham quan huyện Phú Ninh tỉnh Quảng Nam, du khách nên ít nhất một lần ghé thăm nhà lưu niệm chí sĩ Phan Châu Trinh tại thôn Tây Hồ, xã Tam Lộc, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam - nơi lưu giữ những kỷ vật về một nhà nho yêu nước vĩ đại có nhiều suy nghĩ tiến bộ trong lịch sử thời kỳ đầu thực dân Pháp xâm lược nước ta.

Chí sĩ Phan Châu Trinh, tự Tử Cán, hiệu Tây Hồ, biệt hiệu Hy Mã, sinh ngày 9 tháng 9 năm 1872 tại làng Tây Lộc, tổng Vinh Quý, huyện Hà Đông (Tam Kỳ, Quảng Nam; nay là xã Tam Lộc, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam). Thân phụ của cụ là Phan Văn Bình, làm chức Quản cơ sơn phòng, sau tham gia phong trào Cần Vương, làm Chuyển vận sứ đồn A Bá (Tiên Phước) phụ trách việc quân lương. Thân mẫu cụ là Lê Thị Trung, con gái nhà vọng tộc, thông thạo chữ Hán, ở làng Phú Lâm, huyện Tiên Phước, mất sớm vào năm ông lên 6 tuổi. Quê nhà bị quân Pháp đốt cháy trong cuộc trấn áp phong trào Cần Vương nên cụ phải theo cha, được cha dạy chữ và dạy võ. Sau khi cha mất, cụ Phan trở về quê sống với anh là Phan Văn Cừ và tiếp tục đi học. Cụ Phan nổi tiếng học giỏi, năm 27 tuổi, được tuyển vào trường tỉnh và học chung với Trần Quý Cáp và Huỳnh Thúc Kháng. Năm 29 tuổi (1900), cụ thi đỗ Cử nhân. Năm 1901, thi đỗ Phó bảng, được bổ nhiệm "Thừa Biện Bộ Lễ".

Khi thực dân Pháp đang ráo riết xúc tiến việc đánh chiếm toàn bộ Việt Nam, hai hiệp ước Quý Mùi (25/8/1883) và Giáp Thân (6/6/1884) đánh dấu sự đầu hàng của giai cấp phong kiến Việt Nam trước chủ nghĩa đế quốc Pháp, tuy nhiên những người yêu nước Việt Nam không chịu hạ vũ khí vẫn tiếp tục đấu tranh. Bước khởi đầu là phong trào Cần Vương do Tôn Thất Thuyết và vua Hàm Nghi khởi xướng, diễn ra từ năm 1885 đến năm 1896. Quê hương Quảng Nam của Phan Châu Trinh là địa phương sớm hưởng ứng phong trào. Lúc đó Phan Châu Trinh mới 15 tuổi nhưng đã bị lôi cuốn vào tư tưởng đấu tranh lúc bấy giờ. Từ đó, cụ Phan đã tham gia vào hoạt động cách mạng đánh thực dân Pháp.

Sau khi phong trào Cần Vương bị dập tắt, năm 1904, với phương châm “tự lực khai hóa” và tư tưởng dân quyền, Phan Châu Trinh cùng Huỳnh Thúc Kháng và Trần Quý Cáp đi khắp tỉnh Quảng Nam và các tỉnh lân cận phát động phong trào Duy Tân với tôn chỉ và mục đích tiến bộ: "Khai dân trí, Chấn dân khí, Hậu dân sinh".

Phương thức hoạt động của phong trào là bất bạo động, công khai hoạt động nhằm khai hóa dân tộc, cải cách trên mọi lĩnh vực, khuyến khích giáo dục bỏ lối học từ chương, phát động phong trào học Quốc ngữ, mở mang công thương nghiệp, chấn hưng công nghệ, bỏ mê tín dị đoan, kêu gọi cắt tóc ngắn, cắt ngắn móng tay

Phong trào Duy Tân là cuộc cách mạng lớn trên mọi lĩnh vực đầu thế kỷ 20, rất phát triển ở Quảng Nam. Tấm gương kiên trung bất khuất của cụ Phan là niềm tự hào của quê hương Tam Lộc nói riêng của dân tộc Việt Nam và cả thế giới.

Đến cuối tháng 4 năm 1908, phong trào Duy Tân phát triển mạnh với đỉnh cao là cuộc kháng thuế bùng nổ. Cụ Phan Châu Trinh bị triều đình Huế tố cáo là người khởi xướng phong trào nên bị bắt tại Hà Nội giải về Huế, đày đi Côn Đảo. Cuối năm 1910, cụ được trả tự do. Ra tù, cụ Phan sang Pháp hoạt động. Sau 14 năm hoạt động tại Pháp, tháng 6 năm 1925, cụ Phan trở về nước. Tại Sài Gòn, Phan Châu Trinh đã tổ chức hai buổi diễn thuyết về “Quân trị chủ nghĩa và Dân trị chủ nghĩa”, “Đạo đức và Luân lý Đông Tây” gây tiếng vang lớn trước những người yêu nước và đông đảo quần chúng nhân dân.

Sau một cơn bệnh nặng, 21 giờ 30 tối ngày 24 tháng 3 năm 1926, Phan Châu Trinh trút hơi thở cuối cùng trong sự tiếc thương vô hạn của đồng bào cả nước. Ngay khi qua đời, để tưởng nhớ đến chí sĩ Phan Châu Trinh, ngay tại nền nhà cũ ở Tây Lộc - nơi mà cụ Phan sinh sống trong những năm tháng tuổi thơ - chính quyền đã xây dựng một ngôi nhà lưu niệm theo lối kiến trúc cổ, được bao bọc bởi những lũy tre làng quanh năm xanh tốt. Ngôi nhà có 3 gian, 2 chái, mái nhà được lợp nguyên bằng ngói âm dương theo kiểu một hàng ngửa, một hàng úp. Gian giữa chủ yếu là đặt bàn thờ, 2 gian hai bên hiện giờ là để chứa đồ đạc. Diện tích ngôi nhà khoảng 130 m², diện tích cả khuôn viên vườn khoảng 200 m².

Ngôi nhà không chỉ có giá trị về mặt kiến trúc với nhiều tiểu tiết hoa văn chạm trổ rất đẹp, mà tại gian giữa, trên tường xung quanh nhà được bày trí rất nhiều những vật lưu niệm, bức ảnh về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của cụ Phan Châu Trinh, gồm cả những người đã cùng cụ Phan tham gia vào phong trào Duy Tân và các phong trào khác, cũng như những người đã cùng cụ Phan hoạt động tại Pháp. Ngày 16 tháng 11 năm 2005, di tích lịch sử Nhà lưu niệm Cụ Phan Châu Trinh đã được Bộ Văn hoá - Thông tin xếp hạng di tích cấp Quốc gia tại Quyết định số 67/QĐ-BVHTT.

Đang tải...
Đã đóng cửa vào 17:00 PM

Chứng nhận: Di sản văn hóa cấp Quốc gia

Nhóm tài nguyên: Di Tích, Lịch Sử, Văn Hoá
Địa chỉ: Thôn Tây Hồ, xã Tam Lộc, Phú Ninh, Quảng Nam

Đánh giá

0
0 đánh giá
Tuyệt vời
0
Rất tốt
0
Tạm được
0
Không thích
0
Tồi tệ
0

Báo chí