Đình Ngọc Canh được làm theo hướng Tây Nam trên khu đất bằng phẳng rộng rãi ở ngay đầu làng và chỉ cách đình các đình Hương Canh 200 mét ở phía trước.
Theo những niên biểu còn ghi lại trong đình và nghệ thuật kiến trúc điêu khắc cùng với những câu chuyện còn lưu lại ở nơi đây thì có thể xác định rằng đình Ngọc Canh được xây dựng thời Hậu Lê, triều vua Lê Hiển Tông niên hiệu Cảnh Hưng (1740-1786) trên nền ngôi đình cũ và sau đó được tôn tạo khang trang vào đầu thời Nguyễn
Đình được kiến trúc kiểu chữ Vương(王) bao gồm ba toàn Tiền tế – Trung tế – Hậu cung được nối liền với nhau bằng một ống muống dọc thành một khối đồ sộ và vững chãi, tất cả có 15 gian 4 chái, với diện tích mặt sàn hơn 600m2.
Tiền tế gồm 5 gian hai chái, dài 20m25 rộng 7m10 trên câu đầu khắc ghi niên đại xây dựng Kỷ Sửu 1769
Trung tế gồm 5 gian hai trái, hai dĩ dài 24m rộng 13m37 có khắc ghi niên đại đặt thượng lương năm Gia Long thứ 12 (1813) và hoàn thành sơn son thếp vàng năm Minh Mạng thứ nhất (1820)
Quan sát từ tổng thể đến chi tiết, ngoài vào trong có thể thấy đình Ngọc Canh là một công trình hoàn chỉnh vừa đồ sộ lại vừa thanh thoát. Nổi bật là bộ khung đình chắn chắn bằng gỗ lim với các hàng 6 chân cột ở mỗi gian. Cột cái ở đại đình có đường kính lên tới 2m40 vào cao gần 6m .Toàn bộ khung đình tất cả 96 cột gỗ được kết hợp với nhau chặt chẽ với mộng xà để đỡ cả bộ mái đình khổng lồ cùng các các bờ nóc, đầu đao được đắp trổ tỉ mỉ công phu.
Các mảng chạm ở đình Ngọc Canh thiên về tả cảnh lao động, những thú vui hàng ngày trong nông thôn. Các bức cốn đã thể hiện thực tế cuộc sống của nhân dân ta nửa cuối thế kỷ 17, như các bức chạm: “Hội làng”, “Dựng cột buồm”, “Uống rượu”, “Đánh cờ”, “Hát cửa nhà quan”……. Với lối bố cục chặt chẽ, hài hoà, đường nét phóng khoáng tự do, chú ý khắc hoạ từng chi tiết thể hiện rõ tình cảm, cá tính của từng nhân vật trong bức chạm để rồi có một tác phẩm hoàn hảo, mang nội dung tư tưởng sâu sắc, thể hiện cao độ đề tài định trước. Tất cả những điều đó đã chứng tỏ nghệ thuật kiến trúc của đình Ngọc Canh đã đạt tới đỉnh cao nghệ thuật kiến trúc cổ truyền.