Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch là một loại hình bảo tàng - lưu niệm về sinh hoạt đời sống của Chủ tịch Hồ Chí Minh - một lãnh tụ cách mạng kiệt xuất của dân tộc, một danh nhân văn hoá lớn. Bảo tàng này vừa ở ngoài trời, vừa ở trong nhà vì nó hình thành ngay tại nơi Bác Hồ đã sống và làm việc bao gồm một tập hợp các: Di tích bất động sản (nhà, phòng, hầm...); Di tích động sản (đồ đạc, bàn, ghế, sách vở, tài liệu,...); Cảnh quan môi trường (cây cối, đường đi, sân vườn, ao cá, giàn hoa).
Di tích Phủ chủ tịch
Phủ Chủ tịch là công trình sang trọng, bề thế, cao bốn tầng nhìn thẳng ra đường Hùng Vương mang phong cách thời Phục Hưng, được xây dựng từ những năm đầu thế kỷ XX (1900 - 1906), do kiến trúc sư người Pháp gốc Đức Lich-ten Fen-đơ thiết kế. Diện tích sử dụng của toà nhà gần 1300 mét vuông. Toàn bộ toà nhà có trên 30 phòng, mỗi phòng được trang trí theo một phong cách riêng. Trong thời thực dân Pháp cai trị, toà nhà được gọi là Phủ Toàn quyền Đông Dương, từ khi nhà được hoàn thành đến ngày cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, đã có 29 đời Toàn quyền và Quyền Toàn quyền ở và làm việc.
Trong năm 1945 đến năm 1946, hết phát xít Nhật đến quân đội Trung Hoa dân quốc chiếm giữ toà nhà này. Khi thực dân Pháp quay trở lại xâm lược Việt Nam lần thứ hai thì nơi đây lại trở thành trụ sở cao nhất của chính quyền thực dân. Toà nhà này chỉ thực sự thuộc về nhân dân Việt Nam sau khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thành công, thủ đô Hà Nội được giải phóng (tháng 10 - 1954), (toà nhà được gọi là Phủ Chủ tịch). Tại đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường chủ trì các phiên họp Hội đồng Chính phủ quyết định những vấn đề lớn, quan trọng của đất nước; tiếp đón khách quốc tế và gặp gỡ đại biểu nhân dân Việt Nam.
Sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời (ngày 2 tháng 9 năm 1969), Phủ Chủ tịch trở thành một trong những di tích lưu niệm về Người được Nhà nước xếp hạng là di tích đặc biệt quan trọng trong tổng thể Khu di tích Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch. Song từ đó đến nay toà nhà này vẫn là nơi làm việc của Chủ tịch nước; những hoạt động có ý nghĩa quan trọng của Đảng và Nhà nước ta vẫn được tiến hành trọng thể ở đây.
Di tích nhà sàn
Sau gần 4 năm tiến hành công cuộc hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục kinh tế ở miền Bắc Việt Nam cơ sở vật chất của xã hội bước đầu được củng cố và phát triển, đời sống nhân dân được nâng cao, Trung ương Đảng, Bộ Chính trị mong muốn xây dựng một ngôi nhà mới để Chủ tịch Hồ Chí Minh có nơi ở, làm việc được tốt hơn. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đồng ý với ý định này của Trung ương và lựa chọn kiểu nhà sàn của đồng bào dân tộc sau buổi gặp mặt đại biểu các dân tộc thiểu số Việt Bắc tại Phủ Chủ tịch và sau chuyến đi thăm một số địa phương của tỉnh Thái Nguyên.
Chủ tịch Hồ Chí Minh ở và làm việc tại nhà sàn trong 11 năm cuối đời (1958 - 1969). Hiện nay gần 250 tài liệu hiện vật thuộc nhiều chất liệu khác nhau ở Nhà Sàn vẫn được giữ nguyên vẹn và bảo quản chu đáo như những ngày cuối cùng Chủ tịch Hồ Chí Minh sống và làm việc.
Nhà sàn được làm bằng gỗ dổi- loại gỗ thông thường trong xây dựng dân dụng, mái nhà lợp ngói. Trước nhà là một vườn hoa nhỏ, trồng nhiều loại hoa thơm. Phía ngoài là hàng rào dâm bụt gợi nhớ hình ảnh ngôi nhà Người đã sinh ra và lớn lên ở quê hương Nghệ An.
Trên bàn làm việc vẫn còn lại những kỷ vật của Người. Đó là những cuốn sách Người đang đọc vào những ngày cuối cùng và còn có chiếc khay đựng bút bằng đá mầu đen hình con thuyền, kỷ vật của Tổng thống nước cộng hoà nhân dân Cu Ba Ôt-xvan-đô Đoóc-ti-cốt tặng Người năm 1967.
Ngày 17 tháng 7 năm 1966, tại ngôi nhà sàn bé nhỏ này Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết lời kêu gọi toàn dân đứng lên chiến đấu chống Mỹ cứu nước "Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa. Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, song nhân dân Việt Nam quyết không sợ. Không có gì quý hơn Độc lập Tự do". Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cổ vũ nhân dân Việt Nam tiến lên giành chiến thắng và nó đã trở thành chân lý của thời đại.
Tại nơi đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh soạn thảo nhiều văn bản quan trọng có tính chất định hướng cho cách mạng và cả bản Di chúc lịch sử. Người viết những dòng đầu tiên của bản Di chúc vào dịp sinh nhật lần thứ 75. Từ đó hàng năm, Người dành một thời gian nhất định từ ngày 10 đến ngày 20 tháng 5, để sửa chữa, bổ sung hoàn chỉnh bản Di chúc, tháng 5 năm 1969, Người đọc và sửa chữa lần cuối bản Di chúc.
Di tích nhà 67
Ngôi nhà màu xanh nhạt ở phía sau nhà sàn, nằm sát gò đất cao được gọi là “Nhà 67”. Ngôi nhà được gọi tên theo thời gian xây dựng.
Vào năm 1967, cuộc phiêu lưu mở rộng chiến tranh phá hoại miền Bắc bằng không quân, hải quân của đế quốc Mỹ ngày càng trở nên ác liệt, Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố khác cùng các khu công nghiệp bị bắn phá ngày đêm. Trước tình hình đó, để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ Chính trị đã quyết định xây dựng ở phía sau nhà sàn một ngôi nhà kiên cố đề phòng khi máy bay Mỹ bắn phá bất ngờ, Người chưa kịp xuống hầm.
Thế nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh không nhận ngôi nhà cho riêng mình. Người đề nghị sử dụng làm nơi họp Bộ Chính trị, làm việc với các đồng chí Trung ương, và các cán bộ phụ trách đầu ngành để bàn những vấn đề quan trọng của đất nước.
Ngày 17 tháng 8 năm 1969, sau khi kiểm tra sức khoẻ cho Chủ tịch Hồ Chí Minh, các bác sĩ đề nghị Người không lên xuống nhà sàn nữa. Theo lời đề nghị của bác sĩ, Người chuyển hẳn xuống ở nhà 67.
Những tập sách báo tài liệu còn lại trên bàn làm việc tại căn phòng này Người đang đọc dở, nhiều trang báo còn lưu lại bút tích của Người. Tờ báo, bản tin cuối cùng Người xem được phát hành vào ngày 24 tháng 8 năm 1969.
Vì tổi cao, sức yếu Chủ tịch Hồ Chí Minh không vượt qua được cơn bệnh hiểm nghèo và Người ra đi tại đây. Những di vật Người lưu lại là những câu chuyện của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các nhân chứng lịch sử kể lại về giờ phút cuối đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho chúng ta cảm nhận sâu sắc những giá trị cao quý về phẩm chất một lãnh tụ của nhân dân, về tình yêu sâu nặng, tha thiết của Người đối với nhân dân, đất nước...