Nằm ở mạn Đông Bắc quận Ba Đình, hồ Trúc Bạch vốn là một phần của hồ Tây. Thời xưa sóng lặng hơn nên cá hồ Tây thường tụ về đây. Dân hai làng Yên Hoa (nay là Yên Phụ) và Yên Quang (nay là phố Quán Thánh) đã đắp đê ngăn góc này lại để đánh cá và sau là nuôi cá.
Tên gọi Hồ Trúc Bạch xuất phát từ nghề dệt lụa của làng Trúc Yên, tiếng hán gọi lụa là Trúc nên tên hồ mang ý nghĩa là lụa làng Trúc. Trong lịch sử Thăng Long - Hà Nội, quanh hồ Trúc Bạch là một vùng đất có nền văn vật phong phú, quy tụ nhiều di tích cổ xưa. Phía tây nam có Đền Quán Thánh là một trong Thăng Long tứ trấn, phía đông có chùa Thần Quang và chùa Châu Long cổ kính được xây từ đời nhà Trần và là nơi tu hành của công chúa Khiết Cô – con gái vua Trần Nhân Tông, phía đông bắc có đền An Trì thờ Uy Đô một vị anh hùng dân tộc có công lãnh đạo trong cuộc chiến chống quân Nguyên.
Nói về sự thơ mộng thì vẻ đẹp Hồ Trúc Bạch không thua kém bất kì hồ nào khác tại Hà Nội. Hồ Trúc Bạch không quá lớn nhưng hồ có đến hai hòn đảo là Châu Chử và Ngũ Xã. Hồ Trúc Bạch không khí rất trong lành và chiều chiều nơi đây tập trung rất đông người dân Hà Nội và khách du lịch đến tham quan hóng mát. Bờ Hồ Trúc Bạch đường Thanh Niên trồng rất nhiều hoa phượng và bằng lăng, từ hè đến cuối đông thì bờ hồ rực một màu đỏ thắm nổi bật giữa nền trời xanh, bên dưới mặt hồ nước êm ả nhẹ trôi tạo nên một khung cảnh vô cùng lãng mạn.