Chùa Thầy

Chùa Thầy là một quần thể những ngôi chùa ở chân núi Sài Sơn, huyện Quốc Oai, tỉnh Hà Tây cũ, nay là xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, Hà Nội, cách trung tâm khoảng 20 km về phía Tây nam, đi theo đường cao tốc Láng - Hòa Lạc. Chùa được xây dựng từ thời Lý. Đây từng là nơi tu hành của Thiền sư Từ Đạo Hạnh, lúc này núi Thầy còn gọi là núi Phật Tích.

Cùng với chùa Tây Phương và Chùa Hương, Chùa Thầy là một trong những ngôi chùa nổi tiếng nhất Hà Nội. Nếu như Chùa Láng gắn liền với giai đoạn đầu của cuộc đời thiền sư thì chùa Thầy lại chứng kiến quãng đời sau cùng cho đến ngày thoát xác của vị sư thế hệ thứ 12 thuộc dòng Thiền Ti-ni-da-lưu-chi này.

Theo thuyết phong thủy, chùa được xây dựng trên thế đất hình con rồng. Phía trước chùa, bên trái là ngọn Long Đẩu, lưng chùa và bên phải dựa vào núi Sài Sơn. Chùa quay mặt về hướng Nam, trước chùa, nằm giữa Sài Sơn và Long Đẩu là một hồ rộng mang tên Long Chiểu hay Long Trì (ao Rồng). Sân chùa như hàm rồng ,thủy đình như viên ngọc rồng ngậm. Cây cầu Nguyệt Tiên Kiều và Nhật Tiên Kiều như hai chiếc râu rồng.

Phần chính của chùa Thầy được xây dựng theo lối kiến trúc tiền Phật hậu Thánh , Thánh ở đây là Từ Đạo Hạnh một vị danh tăng nổi tiếng dưới thời Lý. Chùa gồm ba tòa song song với nhau gọi là chùa Hạ, chùa Trung và chùa Thượng. Giữa chùa Hạ và chùa Trung có ống muống nối với nhau, tạo thành thế hạ công thượng nhất. Đặc biệt kiến trúc chùa chỉ có 36 lỗ đục các tấm gỗ được xếp chồng lên nhau cực kỳ vững chắc.

Chùa Hạ là nhà tiền tế, bày các tượng Đức Ông, Thánh hiền. Ống muống để tượng Bát bộ Kim Cương. Chùa Trung bày bàn thờ Phật, hai bên có hai tượng Hộ Pháp, tượng Thiên vương. Chùa Thượng hay chùa trên tách biệt hẳn, ở vị trí cao nhất, biển đề Đại hùng Bảo điện, đồng thời là nhà thánh, để tượng Di đà Tam tôn, Thích Ca, tượng ba kiếp của thiền sư Từ Đạo Hạnh, ban thờ Lý thần Tông còn có 1 đôi Phượng Hoàng gỗ, 2 tượng Phỗng thế kỷ 18 đời vua Lê Ý Tông.

Chùa có một hang tên gọi là hang Cắc Cớ và bàn thờ Thừa tướng Lữ Gia được đặt bên trong hang. Từ chùa Cao, đi vòng ra phía sau là hang Cắc Cớ, là nơi tình tự của trai gái ngày xưa trong những ngày hội hè. Đi ngược lên trên là đến đền Thượng. Gần đền Thượng có hang Bụt Mọc với nhiều tảng đá được thời gian bào mòn trông như tượng Phật. Tiếp đó là hang Bò với lối vào âm u. Cách một đoạn là đến hang Gió với những ngọn gió thổi thông thốc cả hai đầu.Dưới hang gió có một lối đi nhỏ là hang của Bác ngày xưa xuống để phòng ngự đánh giặc.

Quanh núi Thầy, ngoài chùa Thầy còn có cả một cụm kiến trúc Phật giáo được xây dựng trong những khoảng thời gian khác nhau.

Trong một bài ký ghi trên vách núi, Chúa Trịnh Căn đã phác họa cảnh chùa Thầy: "như viên ngọc nổi lên giữa đám sỏi đá, rạng vẻ xuân tươi khắp cả bốn mùa. Động trên hệt như cõi thanh hư, bên vách còn in mây ráng. Ao rồng thông sang bến siêu độ, cầu tiên Nhật Nguyệt đôi vầng. Hình tựa bình phong, sông như dải lụa".

Nằm ở xứ Đoài, nơi ít bị ảnh hưởng trong suốt hàng ngàn năm chống giặc ngoại xâm, là một trong những trung tâm phật giáo cổ và lớn nhất gần Kinh đô Thăng Long, với quan hệ đặc biệt với các Hoàng gia triều Lý, hậu Lê nên chùa Thầy có số lượng di sản văn hóa vừa nhiều về số lượng vừa trải đều qua các triều đại Lý, Trần, Lê, Mạc, Nguyễn. Đây là ngôi chùa có tính bảo lưu một cách liên tục nhất các di vật văn hóa, nghệ thuật từ thời Lý.

Đang tải...
Đang mở cửa • Đóng cửa 18:00 PM

Chứng nhận: Di sản văn hóa cấp Quốc gia

Nhóm tài nguyên: Tài nguyên Du lịch Nhân văn > Vật thể
Địa chỉ: Xã Sài Sơn, Ba Đình, Hà Nội

Đánh giá

0
0 đánh giá
Tuyệt vời
0
Rất tốt
0
Tạm được
0
Không thích
0
Tồi tệ
0

Báo chí