Đền Quán Thánh

Đền Quán Thánh có tên chữ là Trấn Vũ Quán, tọa lạc tại ở góc đường Thanh Niên và phố Quán Thánh trông ra Hồ Tây. Ngôi đền được xây từ thời vua Lý Thái Tổ (1010 – 1028) để thờ Huyền Thiên Trấn Vũ, một trong bốn vị thần trấn giữ bốn cửa ngõ Kinh thành Thăng Long khi xưa. Thăng Long tứ trấn bao gồm bốn ngôi đền: Đền Bạch Mã trấn giữ phía Đông, Đền Voi Phục trấn giữ phía Tây, Đền Kim Liên trấn giữ phía Nam, và Đền Quán Thánh trấn giữ phía Bắc. Năm 1962, ngôi đền này được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia với nhiều giá trị lịch sử, văn hóa, tín ngưỡng cần được bảo tồn.

Ngôi đền hiện nay đã được sửa chữa nhiều lần. Năm Đinh Tỵ niên hiệu Vĩnh Trị II (1677), đời Lê Hy Tông, chúa Trịnh Tạc sai đình thần là Nguyễn Đình Luân trùng tu. Tượng Huyền Thiên Trấn Vũ được triều đình cho đúc lại bằng đồng đen (hun). Tợng cao 3,07m, chu vi 8m. Tượng mặt vuông, mắt nhìn thẳng, râu dài, tóc xoã không đội mũ, mặc áo đạo sĩ, ngồi trên bục đá, tay trái bắt quyết, tay phải chống gươm có rắn quấn và chống lên lưng một con rùa. Tượng Huyền Thiên Trấn Vũ là một công trình nghệ thuật độc đáo, đánh dấu kỹ thuật đúc đồng và tài nghệ của dân ta cách đây 3 thế kỷ. Tại nhà bái đường còn một pho tượng nữa, nhỏ hơn, cũng bằng đồng đen, nhiều người cho rằng đây là tượng ông Trùm Trọng, người thợ cả đã chỉ huy việc đúc pho tượng Trấn Vũ. Tượng này là do các học trò của ông đúc để ghi nhớ công ơn của thầy. Cùng đúc với tượng là quả chuông cao gần 1,5m treo ở gác tam quan.

Văn bia tại đền do trạng nguyên Đặng Công Chất và tiến sĩ Hồ Sĩ Dương soạn. Thời Tây Sơn, đô đốc Lê Văn Ngữ, cùng nhiều người nữa đã quyên tiền đúc chiếc khánh bằng đồng (chiều 1,10 x 1,25m) vào năm Cảnh Thịnh thứ hai. Đến đời Nguyễn, vua Minh Mạng đến thăm đền, đã cấp tiền tu sửa.

Năm 1842, vua Thiệu Trị đến thăm và dâng một đồng tiền vàng, cộng với số tiền vàng do các hoàng thân dâng, đúc lại thành vòng. Vòng dùng sợi dây bạc xâu để treo ở cổ tay tượng thần. Đằng sau đền lại đắp hòn núi non bộ trong một bể con và dựng một đền nhỏ gọi là Vũ Đương Sơn. Sửa chữa xong, có dựng bia do tiến sĩ Lê Hy Vĩnh soạn.

Các bộ phận kiến trúc đền sau khi trùng tu bao gồm tam quan, sân, ba lớp nhà tiền tế, trung tế, hậu cung. Các mảng chạm khắc trên gỗ có giá trị nghệ thuật cao. Bố cục không gian thoáng và hài hòa. Hồ Tây phía trước mặt tiền tạo nên bầu không khí mát mẻ quanh năm. Ngôi chính điện (bái đường) nơi đặt tượng Trấn Vũ có 4 lớp mái (4 hàng hiên). Chính giữa là bức hoành phi đề "Trấn Vũ Quán". Hai tường hồi có khắc các bài thơ ca ngợi ngôi đền và pho tượng Trấn Vũ của các tác giả thời nhà Nguyễn như Nguyễn Thượng Hiền, Vũ Phạm Hàm... Nhà Tiền tế có khám thờ và án thư cùng tượng thờ nghệ nhân đúc tượng Trấn Vũ, Luân Quận Công Vũ Công Chấn.

Trong đền có bức tượng Trấn Vũ đúc bằng đồng đen năm 1667, cao 3,69 m, nặng khoảng 4 tấn. Tượng có hình dáng một Đạo sĩ ngồi, y phục gọn gàng nhưng tóc lại bỏ xõa, chân không mang giày, tay trái bắt quyết, tay phải chống gươm thần có rắn quấn quanh và chống lên lưng rùa. Tượng Trấn Vũ là một công trình nghệ thuật độc đáo duy nhất tại Việt Nam, khẳng định nghệ thuật đúc đồng và tạc tượng của người Hà Nội cách đây ba thế kỷ.

Ngoài nghệ thuật đúc đồng, đền Quán Thánh còn nổi tiếng với vẻ đẹp của nghệ thuật chạm khắc gỗ. Trên các bộ phận kiến trúc bằng gỗ của ngôi đền các đề tài như tứ linh, dơi, cá, tùng, trúc, cúc, mai, lẵng hoa, bầu rượu, thanh gươm, cảnh sinh hoạt của trần gian và thượng giới... được chạm khắc một cách tinh xảo mang đậm phong cách nghệ thuật thời Lê.

Không chỉ là một công trình có giá trị về mặt lịch sử và kiến trúc, đền Quán Thánh còn là nơi sinh hoạt tín ngưỡng văn hóa nổi tiếng của người dân Hà Nội xưa và nay. Trải qua gần một thiên niên kỷ nhưng ngôi đền vẫn còn nguyên vẹn với kiến trúc độc đáo và nhiều pho tượng đồng tinh xảo, thể hiện nghệ thuật cương nhu của Đạo giáo thời xưa.

Đang tải...
Đang mở cửa • Đóng cửa 17:00 PM

Chứng nhận: Di sản văn hóa cấp Quốc gia

Nhóm tài nguyên: Di Tích, Lịch Sử, Văn Hoá
Địa chỉ: Đường Thanh Niên, Quán Thánh, Ba Đình, Hà Nội

Đánh giá

0
0 đánh giá
Tuyệt vời
0
Rất tốt
0
Tạm được
0
Không thích
0
Tồi tệ
0

Báo chí