Hoàng Thành Thăng Long

Hoàng Thành Thăng Long là quần thể di tích gắn với lịch sử kinh thành Thăng Long- Đông Kinh và tỉnh thành Hà Nội bắt đầu từ thời kì tiền Thăng Long (An Nam đô hộ phủ thế kỷ VII) qua thời Đinh- Tiền Lê phát triển mạnh dưới thời Lý, Trần, Lê và thành Hà Nội dưới triều Nguyễn. Đây là công trình kiến trúc đồ sộ, được các triều vua xây dựng trong nhiều giai đoạn lịch sử và trở thành một trong những di tích quan trọng bậc nhất trong hệ thống các di tích Việt Nam.

Hoàng thành Thăng Long và những giá trị trường tồn.

Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội mang trong mình những giá trị nổi bật toàn cầu. Liên tục trong hơn một thiên niên kỷ, đây là nơi giao thoa các giá trị nhân văn, nghệ thuật, điêu khắc, kiến trúc, kỹ thuật xây dựng, quy hoạch đô thị và nghệ thuật tạo dựng cảnh quan hết sức độc đáo. Đặc biệt, nơi đây còn là trung tâm quyền lực nối tiếp nhau của Việt Nam trong hơn một ngàn năm lịch sử và là minh chứng có một không hai về sự tiến hóa của nền văn minh dân tộc Việt Nam trong lịch sử phát triển của một nhà nước quân chủ vùng Đông Nam Á và Đông Á.

Khu vực Hoàng thành Thăng Long bao gồm khu di tích khảo cổ học 18 Hoàng Diệu và thành cổ Hà Nội, tạo thành một di sản thống nhất của vùng trung tâm. Đây là nơi ghi dấu những giá trị biểu đạt văn hóa và những sự kiện mang tầm vóc ý nghĩa toàn cầu. Những giá trị nổi bật toàn cầu của khu di sản chính là 3 đặc điểm nổi bật như: Chiều dài lịch sử; tính liên tục của tài sản với tư cách là một trung tâm quyền lực; các tầng di tích di vật.

Khu di tích khảo cổ học 18 Hoàng Diệu là minh chứng không thể phủ nhận về một quần thể nền móng của các công trình kiến trúc phong phú, đa dạng thuộc nhiều thời kỳ nằm chồng xếp, đan xen nhau bắt đầu từ thế kỷ VII - XIX, hiện diện bởi các di tích nền móng kiến trúc, giếng nước, cống nước và dấu vết của các ao hồ, sông đào.

Thành cổ Hà Nội còn bảo tồn trên mặt đất một số di tích của cấm thành Thăng Long thế kỷ XV như nền chính điện Kính Thiên với bậc thềm đá có lan can trạm đôi rồng 5 móng tạc năm 1467, cửa Đoan Môn và di tích của thành Hà Nội thế kỷ XIX như cửa Bắc, Kỳ Đài, cửa Hành cung. Trong thành cổ còn một số kiến trúc mang chức năng quân sự của quân Pháp cuối thế kỷ XIX và đại bản doanh của Quân đội nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến giành độc lập và thống nhất đất nước giai đoạn 1954-1975.

Tháng 12/2002, các chuyên gia đã tiến hành khai quật trên tổng diện tích 19.000m2 tại trung tâm chính trị Ba Đình – Hà Nội. Cuộc khai quật khảo cổ học lớn nhất Việt Nam và của cả Đông Nam Á này đã phát lộ những dấu vết của Hoàng thành Thăng Long trong tiến trình lịch sử trải dài 13 thế kỷ với các di tích và tầng văn hóa chồng xếp lên nhau. Những dấu vết kiến trúc độc đáo cùng hàng triệu hiện vật quý giá đã phần nào tái hiện lại quá trình lịch sử trải dài từ thời kỳ Bắc thuộc dưới ách đô hộ của nhà Tùy và nhà Đường (thế kỷ VII đến thế kỷ IX), xuyên suốt các triều đại: Lý, Trần, Lê, Mạc và Nguyễn (1010-1945).

Với những giá trị trường tồn theo thời gian ấy, vào lúc 20 giờ 30 ngày 31/7/2010 theo giờ địa phương tại Brasil, tức 6 giờ 30 ngày 1/8/2010 theo giờ Việt Nam, Ủy ban di sản thế giới đã thông qua Nghị quyết công nhận khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội là Di sản Văn hóa thế giới. Đây là niềm tự hào của không chỉ của riêng Hà Nội mà còn của cả đất nước Việt Nam.

Đang tải...
Đã đóng cửa vào 17:00 PM

Chứng nhận: Di sản văn hóa Thế giới

Nhóm tài nguyên: Di Tích, Lịch Sử, Văn Hoá
Địa chỉ: 19C Hoàng Diệu, Điện Bàn, Ba Đình, Hà Nội
Diện tích: 18.395 ha

Đánh giá

0
0 đánh giá
Tuyệt vời
0
Rất tốt
0
Tạm được
0
Không thích
0
Tồi tệ
0

Báo chí