Đình Phú Cang

Đình Phú Cang nằm trên địa phận xã Vạn Phú, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa, toạ lạc trong một khuôn viên rộng, thoáng, được bài trí nội thất theo kiểu thường thấy ở các đình quê. Đây là ngôi đình cổ hàng trăm năm qua vẫn lưu giữ những giá trị văn hoá, lịch sử của quá trình hình thành cộng đồng người Việt. Đình không chỉ là công trình kiến trúc giàu tính dân tộc, mà còn là địa danh lịch sử đã gắn liền với những mốc son lịch sử mà nhân dân Vạn Phú luôn luôn tự hào..

Đình Phú Cang là tên gọi gắn liền với tên làng Phú Cang (thôn Phú Cang) thuộc xã Vạn Phú, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa. Đình do những cư dân người Việt di cư vào đây xây dựng vào khoảng cuối thế kỉ XVII, đầu thế kỷ XVIII để thờ Thành Hoàng làng, phối thờ Thiên Y Thánh Mẫu, Tiền Hiền, Hậu Hiền (những người có công khai khẩn đất đai, quy dân, lập ấp, tạo dựng xóm làng) và thờ các liệt sĩ là con dân của làng đã hy sinh trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược.

Đình được xây dựng trên vị trí cao, rộng ngay đầu làng. Từ ngoài nhìn vào di tích gồm các công trình kiến trúc: Nghi môn (cổng), Án phong, Đại đình, nhà Đông, nhà Tây. Đại đình được xây dựng theo kết cấu truyền thống với bộ khung gỗ có 04 cột gỗ lớn chính giữa trông rất bề thế, vững chắc đỡ lấy hệ mái có cổ lầu là kiến trúc truyền thống của Khánh Hòa. Cùng với mái ngói âm dương, hệ cửa theo kiểu “Thượng song hạ bản” và những hình tượng linh vật: Lưỡng long tranh châu, con nghê, con dơi trên đỉnh mái, bờ dải và các đầu đao nổi bật lên nền trời xanh biếc. Đó là những giá trị kiến trúc nghệ thuật cổ đặc sắc của đình làng Việt Nam.

Ngoài yếu tố kiến trúc nghệ thuật còn được bảo lưu khá hoàn chỉnh trải qua hàng trăm năm chịu nhiều biến thiên, đình Phú Cang còn mang đậm dấu ấn lịch sử cách mạng qua các thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Đặc biệt, đây là một trong những di tích tiêu biểu của thời kỳ đầu Cách mạng Tháng Tám năm 1945 tại tỉnh Khánh Hòa nói chung và huyện Vạn Ninh nói riêng.

Lễ hội đình làng diễn ra hai dịp “Xuân Thu nhị kỳ” vào ngày 10 tháng 3 Âm lịch hàng năm nhằm cầu “Quốc thái dân an” và mưa thuận gió hòa; trong lễ hội cứ 3 năm tổ chức hát bộ một lần (tam niên đáo lệ). Lễ cúng Thu ở đình thường chọn ngày đẹp trong tháng 8 Âm lịch, đây là dịp cúng tạ ơn các bậc Tiền hiền, Hậu hiền.

Đang tải...
Đang mở cửa • Đóng cửa 17:00 PM

Chứng nhận: Di sản văn hóa cấp Quốc gia

Nhóm tài nguyên: Di Tích, Lịch Sử, Văn Hoá
Địa chỉ: Vạn Phú, Vạn Ninh, Khánh Hòa
Diện tích: 1.700 m2

Đánh giá

0
0 đánh giá
Tuyệt vời
0
Rất tốt
0
Tạm được
0
Không thích
0
Tồi tệ
0

Báo chí