Chùa Quán Sứ Hà Nội

Chùa Quán Sứ Hà Nội- chốn bình yên giữa lòng thủ đô

Được thành lập từ khoảng thế kỷ XIV – XV, Chùa Quán Sứ không chỉ là một trong những danh lam cổ tự bậc nhất ở Hà thành, mà còn là văn phòng trung ương của Giáo hội Phật giáo Việt Nam từ khi thành lập vào năm 1981. “Quán Sứ” có nghĩa là nơi ở của sứ giả, bắt nguồn từ lịch sử hình thành của ngôi chùa.

Nét đặc trưng dễ thấy ở Chùa Quán Sứ nằm ở tên chùa và các câu đối được viết bằng chữ quốc ngữ. Điều này khá hiếm hoi vì thông thường, tên và các câu đối ở chùa thường là chữ Hán. Trong gần nửa thế kỷ, Chùa Quán Sứ thường xuyên được chọn làm nơi tổ chức những sự kiện quan trọng của Giáo hội Phật giáo Việt Nam và thế giới, các kỳ hội nghị, hội thảo do các viện nghiên cứu tôn giáo cũng như viện hàn lâm khoa học xã hội trong nước và ngoài nước tổ chức, để thúc đẩy việc nghiên cứu Phật học và sự ảnh hưởng của tư tưởng của Phật giáo đời Trần đối với văn hóa dân tộc Việt Nam.

Lịch Sử Chùa Quán Sứ

Theo tập La Thành cổ tích vịnh thì vào khoảng thế kỷ XIV, dưới thời vua Trần Dụ Tông, triều đình đã cho xây một tòa nhà để tiếp các sứ thần từ các nước phía Nam (Chiêm Thành, Vạn Tượng, và Ai Lao) sang kinh thành Thăng Long để triều cống. Do các sứ thần đều sùng đạo Phật nên nhà vua đã lập thêm một ngôi chùa ngay tại công quán để họ có thể hành lễ trong thời gian nghỉ ngơi tại đây, và đặt tên là Chùa Quán Sứ. Mặt khác, trong bài văn được khắc trên tấm bia trong chùa dựng vào năm 1855, tiến sĩ Lê Duy Trung có đề cập rằng vào thời vua Gia Long, khi Thăng Long trở thành Bắc Thành và triều đình nhà Nguyễn dời vào Phú Xuân lập kinh đô mới, Chùa Quán Sứ cũng theo đó trở thành nơi hành lễ cho quân nhân đồn Hậu Quân. Đến năm 1822, chùa được sửa sang để làm chỗ thờ cúng và lễ bái cho quân nhân ở đồn này. Khi quân nhân ở đồn này rút đi, chùa được trả lại cho dân làng, trụ trì mới cho tôn tạo và xây dựng thêm các khu hành lang, tô tượng, đúc chuông.

Năm 1934, Chùa Quán Sứ trở thành trụ sở trung tâm Bắc kỳ Phật giáo Hội, nay là Giáo hội Phật giáo Việt Nam, sau khi hội được thành lập ngay tại chùa. Năm 1942, Hòa thượng Tổ Vĩnh Nghiêm xét duyệt bản thiết kế của kiến trúc sư Nguyễn Ngọc Ngoạn và Nguyễn Xuân Tùng để xây lại Chùa Quán Sứ như chúng ta thấy ngày nay.

Kiến trúc chùa Quán Sứ

Sau nhiều lần trùng tu và xây dựng, ngày nay, công trình Chùa Quán Sứ bao gồm các hạng mục: tam quan, chính điện, thư viện, nhà khách, tăng phòng và giảng đường. Tổng thể Chùa Quán Sứ là sự kết hợp tinh hoa kiến trúc từ các ngôi chùa lớn của miền Bắc, tuân theo bố cục “nội Công ngoại Quốc”. Từng khung cửa được làm bằng gỗ quý, tạo nên nét cổ kính cho ngôi chùa.

Tam quan chùa có 3 tầng mái, ở giữa là lầu chuông. Từ ngoài nhìn vào, Chùa Quán Sứ mang đậm phong cách đình chùa của vùng đồng bằng trung du Bắc bộ với mái vòm lợp ngói vảy cá đỏ.Từ cổng tam quan, đi qua một khoảng sân lát gạch là đến 11 bậc thềm dẫn vào chính điện. Không gian chính điện được xây theo hình vuông, bao gồm 2 tầng, xung quanh là hành lang. Tòa Tam Bảo đặt ở tầng 2, còn tầng dưới là để cách ẩm.

Điện Phật được bài trí trang nghiêm với các pho tượng lớn, thếp vàng lộng lẫy được đặt theo từng bậc. Bậc cao nhất trong cùng là ban thờ tượng ba vị Phật Tam Thế. Kế tiếp là Phật A Di Đà ở giữa, 2 bên là Bồ Tát Quán Thế Âm và Đại Thế Chí. Bậc tiếp theo thờ Phật Thích Ca ở giữa, 2 bên Tôn giả A Nan Đà và Ca Diếp. Ở bậc thấp nhất, phía ngoài cùng là Tòa Cửu Long đặt giữa tượng Bồ tát Quán Thế Âm và Địa Tạng Vương. Bên phải chính điện là ban thờ Lý Quốc Sư, tức Thiền sư Nguyễn Minh Không và 2 thị giả; còn bên trái chính điện thờ Đức Ông, Châu Sương, Quan Bình.

Phía Đại Hùng Bảo Điện là nhà thờ Tổ, nơi thời Lịch Đại Tổ Sư của Phật giáo Việt Nam. Tuy được xây từ rất lâu, nhưng Chùa Quán Sứ vẫn luôn giữ gìn chính pháp và không thờ Mẫu và Tam – Tứ Phủ, vốn không thuộc Phật giáo. Sau khi được trùng tu và nâng cấp, các công trình nhà chính, nhà phụ được xây cao và rộng rãi với lớp vôi vàng. Hai bên và sau sân chùa là thư viện, nhà khách, tăng phòng và giảng đường. Tòa nhà hậu đường được nối với chính điện thông qua cầu thang lộ thiên ở tầng giữa. Chùa Quán Sứ là là nơi lưu trữ rất nhiều tài liệu, thư tịch Phật giáo và là một trong những trung tâm nghiên cứu, giảng dạy, truyền bá Phật giáo lớn nhất Việt Nam.

Lễ hội chùa Quán Sứ

Trong các ngày mùng 1, ngày rằm, hay những dịp lễ, Tết, các Phật tử và du khách thường tề tựu về Chùa Quán Sứ để cầu bình an, sức khỏe, may mắn, vạn sự hanh thông cho bản thân và gia đình. Ngoài ra, hàng năm Chùa Quán Sứ còn tổ chức hoạt động mừng Lễ Phật Đản, Lễ Quy Y Tam Bảo, Lễ Mông Sơn Thí Thực. Vào mỗi dịp Phật Đản, các tăng ni, Phật tử tham gia rước xe hoa, cung nghinh xá lợi Phật, dự Lễ Quy Y Tam Bảo, phóng sinh cầu nguyện cho hòa bình, quốc thái dân an, và nhiều hoạt động ý nghĩa khác. Chùa Quán Sứ còn thường xuyên tổ chức buổi lễ cầu siêu cho các sinh linh bé nhỏ trong dịp Vu Lan, tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ, những người đã mất vì thiên tai, lũ lụt, tai nạn giao thông.

Đang tải...
Đang mở cửa • Đóng cửa 19:00 PM

Nhóm tài nguyên: Di Tích, Lịch Sử, Văn Hoá
Địa chỉ: 73 Quán Sứ, Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm, Hà Nội
Khởi lập: Thế kỷ 15

Đánh giá

0
0 đánh giá
Tuyệt vời
0
Rất tốt
0
Tạm được
0
Không thích
0
Tồi tệ
0

Báo chí