Đình Xâm Bồ

Đình Xâm Bồ thờ vị anh hùng dân tộc Ngô Quyền là người có công lớn làm nên chiến thắng Bạch Đằng lần thứ nhất (năm 938), đánh tan quân Nam Hán mở đầu kỷ nguyên độc lập của dân tộc.Theo thần phả và sử sách ghi lại: Ngô Quyền sinh ngày 12 tháng Giêng năm Mậu Ngọ (tức ngày 6/2/898) tại làng Đường Lâm, huyện Ba Vì, tỉnh Hà Tây ngày nay. Sau chiến thắng Bạch Đằng lịch sử, ông xưng Vương ở ngôi được 6 năm và mất ngày 16 tháng Giêng năm 944. Tại vùng Đông Bắc nơi Ngô Vương dàn quân, bày trận đại thủy chiến phá tan giặc Nam Hán (tức vùng đất Hải An thuộc thành phố Hải Phòng ngày nay) có nhiều công trình di tích được xây dựng thờ Ngô Quyền làm phúc thần.

Ngoài việc tôn thờ Ngô Quyền, di tích Đình Xâm Bồ còn thờ Tứ Dương hầu Phạm Tử Nghi, một nhân vật kiệt xuất của vương triều nhà Mạc thế kỷ 16, quê ở xã Vĩnh Niệm, huyện An Dương nay thuộc phường Vĩnh Niệm, quận Lê Chân.

Hiện nay, Đình Xâm Bồ là một công trình khép kín mang lối kiến trúc hình chữ nhị với các hạng mục: miếu ngoài, miếu trong, cung cấm, sân và tường bao quanh. Mặt chính của di tích quay hướng Đông Nam nhìn ra nơi cửa sông giáp biển. Xung quanh khu di tích tọa lạc còn nhiều cây cổ thụ tuổi hàng trăm năm như đa, đề, duối... tạo nên vẻ cổ kính trang nghiêm cho ngôi miếu.

Nội thất di tích được cấu tạo gồm 3 gian miếu ngoài, 5 gian miếu trong và một gian cung cấm. Vật liệu xây dựng công trình chủ yếu là gạch, gỗ, đá. Khung nhà được làm bằng loại gỗ tứ thiết như lim, sến, táu… các bộ vì có kết cấu theo kiểu “chồng rường giá chiêng”. Nhìn chung miếu có qui mô vừa phải, nhưng hoạ tiết trang trí được trọn lọc từ nhưng chi tiết quen thuộc trong bộ “tứ linh”, “tứ quý”, phản ánh niên đại kiến trúc nghệ thuật thời Nguyễn (cuối thế kỷ 19).

Chiếm trọn ví trí gian cung và hầu hết nội thất miếu trong, miếu ngoài là một tập hợp các cổ vật quí như câu đối, đại tự, cửa võng, khám lớn, nhan án, quán tẩy, bát bửu… đáng chú ý hơn là bài vị Ngô Vương mang phong cách nghệ thuật Lê-Mạc (đầu thế kỷ 17), bộ long đình thời Nguyễn (thế kỷ 19), tượng quan hầu (thế kỷ 19), bia đá thời Hậu Lê (thế kỷ 18)…

Còn chùa Xâm Bồ có tên chữ là “Thắng Phúc tự”. Theo các văn bia của chùa để lại, tại gian phật điện chùa Xâm Bồ có mặt đầy đủ các pho tượng chính của phái đại thừa thường thấy trong các ngôi chùa Việt Nam. Đó là: bộ tượng Tam thế, Di đà Tam tôn, Quan Âm chuẩn đề, các bộ Bồ Tát, tòa Cửu Long, tượng Ngọc Hoàng, Nam Tào, Bắc Đẩu, Thánh Tăng, Đức Ông...Đặc biệt thu hút các nhà nghiên cứu nhiều lĩnh vực là một số hiện vật quí như: nhang án có niên đại thời Lê thế kỷ 18, tượng Quan Âm nghìn tay nghìn mắt niên đại thế kỷ 19 và 4 pho tượng tổ niên đại thế kỷ 19...

Bên cạnh đó Xâm Bồ còn thường cùng với Lương Xâm và Hạ Đoạn có tục giao hiếu thăm hỏi, dự lễ tế Ngô Vương trong ngày hội. Xâm Bồ cũng duy trì quan hệ trong dịp lễ hội Ngô Quyền và Phạm Tử Nghi với làng Đôn Niệm tạo nên một mối quan hệ gắn bó giữa các làng xã trong vùng. Đình, chùa Xâm Bồ đã được nhà nước xếp hạng di tích lịch sử văn hóa năm 1996.

Đang tải...

Chứng nhận: Di sản văn hóa cấp Quốc gia

Nhóm tài nguyên: Di tích kiến trúc nghệ thuật
Địa chỉ: phường Nam Hải, quận Hải An, thành phố Hải Phòng, Hải An, Hải Phòng

Đánh giá

0
0 đánh giá
Tuyệt vời
0
Rất tốt
0
Tạm được
0
Không thích
0
Tồi tệ
0

Báo chí