Chùa Xâm Bồ nằm trong cụm Di tích lịch sử văn hóa Miếu-Chùa Xâm Bồ thuộc phường Nam Hải, quận Hải An, thành phố Hải Phòng, được Bộ Văn hóa-Thông tin công nhận là Di tích cấp quốc gia năm 1996. Miếu Xâm Bồ thờ Ngô Vương Quyền – ông tổ trung hưng của dân tộc và Nam Hải Đại vương Phạm Tử Nghi – một tướng giỏi thời Mạc. Chùa Xâm Bồ là nơi thờ Phật của làng Xâm Bồ, nơi sinh hoạt tâm linh-tín ngưỡng của dân làng.
Chùa Xâm Bồ có tên chữ là “Thắng phúc tự”. Chùa nằm gần kề với miếu tạo nên bố cục không gian tổng thể hài hòa theo lối kiến trúc “tiền thánh, hậu Phật”. Mặt chính của di tích quay hướng Đông Nam nhìn ra nơi cửa sông giáp biển. Xung quanh khu di tích tọa lạc còn nhiều cây cổ thụ tuổi hàng trăm năm, tạo nên vẻ cổ kính trang nghiêm cho cụm Di tích.
Chùa dựng trên một khuôn viên rộng với nhiều tòa ngang dãy dọc bố trí hình chữ Đinh (J) gồm 3 gian tiền đường và 2 gian hậu cung, cùng với tam quan hình thành đường thần đạo chạy dọc từ cửa đến phật điện.
Tại chùa không thấy ghi chép nào về việc xây dựng chùa Xâm Bồ nhưng theo lời kể của người dân nơi đây và căn cứ vào cây thiên đài trụ bằng đá dựng trước chùa có niên hiệu Chính Hòa (1680-1705) thì ít nhất chùa cũng đã xuất hiện từ thời Lê Hy Tông. Bia ký tự dựng bên phải lối vào chùa cũng khẳng định niên đại của chùa: “Chùa Thắng Phúc được xây dựng vào năm Chính Hòa thứ 12, tháng 3 ngày tốt (vào thời Hậu Lê–Lê Hy Tôn). Tích xưa, có hai vị thiện nam Bùi Văn Thụ, thiện tín nữ Đinh Thị Môn xây một cây hương hàng ngày tụng kinh niệm Phật, cúng dàng thập phương Phật…
Sau đó có một vị sư tăng là Trần Thế Dự (tự Lự Hậu), có nhân duyên với mảnh đất này, cùng nhân dân, thập phương bá tính công đức tiền và đất đai xây dựng Thiên đài nhất trụ thành thượng điện thờ Phật, từ đó ngôi chùa có tên Thắng Phúc tự (chùa Thắng Phúc).
Nhiều cuộc chiến tranh, giặc dã đã đi qua cùng với sự khắc nghiệt của thiên nhiên, thời tiết tuy chùa không còn giữ được nguyên vẹn kiến trúc buổi ban đầu khởi dựng nhưng với lòng tôn kính, sùng Phật của người dân, ngôi chùa đã nhiều lần tu sửa để có diện mạo như ngày nay. Chùa mang dáng vẻ điển hình của những ngôi chùa làng cổ kính miền Bắc với mái đao cong vút, lợp ngói mũi hài rêu phong và rải rác các đồ thờ tự có niên đại thời Lê (thế kỷ 17-18).
Bia kí tự dựng tại sân tiền đường đã lược thuật lịch sử chùa như sau:
“Khu Xâm Bồ, phường Nam Hải-Hải An-Hải Phòng. Chùa Thắng phúc là một ngôi chùa cổ tự đã có từ lâu đời, thường có các thế hệ tăng ni kế đăng trụ trì…
Chùa tọa lạc trên địa bàn thoáng mát, rộng rãi. Qua các triều đại, nơi đây là trung tâm văn hóa tín ngưỡng của địa phương với diện tích 7 mẫu Bắc bộ, trong đó có 3 mẫu nội tự và 4 mẫu ngoại tự. Chùa gồm 3 gian tiền đường, 2 gian hậu cung, kiến trúc theo lối chữ đinh, 3 gian nhà tờ tổ, 3 gian nhà khách, gác chuông, cổng ngõ, sân gạch rất cổ kính, có các hòa thượng về trụ trì như hòa thượng (HT) Bút, HT Thận, HT Nguyên Hiển…Sau chót hòa thượng Thích Quảng Lự trụ trì vì không có nhân duyên nên sau này sư cụ đã chuyển đi chùa khác. Từ năm 1955 trở đi chùa không có tăng ni trụ trì, đất đai thu hẹp chỉ còn hơn 3 mẫu nội tự. Ngôi chùa và các công trình khác xuống cấp, dột nát, hư hỏng, cảnh giói hoang vu, ít người lui tới. Đến năm 1995 sư thầy Nguyễn Thị Uyên, pháp danh Thích Diệu Thịnh về trụ trì.
Năm 1997 ngôi chùa trùng tu lại lần thứ nhất.
Năm 2000 xây dựng lầu Quán Thế Âm (kè hồ)
Năm 2004 xây dựng 10 gian nhà thờ tổ
Năm 2009 xây dựng cổng tam quan, gác chuông, xây tường bao quanh khuôn vien chùa.
Năm 2012 xây dựng lại ngôi Tam bảo, 10 gian nhà thờ mẫu, 7 gian nhà ăn, 5 gian nhà hậu và các công trình phụ khác.
Năm 2017 dựng 2 nhà bia bằng đá tri ân tiền khai sáng Già Lam, hậu khai sáng Già Lam….”
Tại gian phật điện chùa có mặt đầy đủ các pho tượng chính của phái đại thừa thường thấy trong các ngôi chùa Việt Nam đó là: bộ tượng Tam Thế, Di đà Tam tôn, Quan Âm chuẩn đề, các bộ Bồ Tát, tòa Cửu Long, tượng Ngọc Hoàng, Nam Tào, Bắc Đẩu, Thánh Tăng, Đức Ông…Đặc biệt thu hút các nhà nghiên cứu nhiều lĩnh vực là một số hiện vật quí như: nhang án có niên đại thời Lê thế kỷ XVIII, tượng Quan Âm nghìn tay nghìn mắt niên đại thế kỷ 19 và 4 pho tượng tổ niên đại thế kỷ 19….
Trên các vì kèo, câu đầu chạm nổi các đề tài hoa lá cách điệu, lưỡng long cầu nguyệt, rồng đơn và có kết cấu giống nhau theo lối “chồng rường giá chiêng”.
Cùng với ngôi miếu bên cạnh, ngôi chùa này vào những ngày giỗ Ngô Vương Quyền và Nam Hải Đại vương Phạm Tử Nghi, ngày rằm Tháng bảy, Tết Nguyên đán thường rất đông người dân đến cầu cúng và dự hội. Xâm Bồ còn thường cùng với Lương Xâm và Hạ Đoạn có tục giao hiếu thăm hỏi, dự lễ tế Ngô Vương trong ngày hội. Việc này thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn” tốt đẹp của nhân dân địa phương.